Bị nợ lương, công nhân cũng có quyền mở thủ tục phá sản DN?

(PLO) - Với quy định mở rộng đối tượng được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, ĐBQH lo lắng sẽ có sự lạm dụng, ảnh hưởng đến DN, HTX.
Nhiều ĐB QH đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản
Nhiều ĐB QH đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản
Hỏi nợ không được, sẽ đề nghị tòa tuyên phá sản?
Theo Quy định của dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản, chủ nợ cũng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Quy định này của Dự thảo đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các ĐB QH, 
ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình mở đầu phiên thảo luận nói: “Cần làm rõ người lao động có quyền nộp đơn như thế nào? Cá nhân 1 người lao động có quyền nộp đơn hay không? Hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỷ lệ nhất định và những người lao động này phải cử những người đại diện để nộp đơn như quy định của luật hiện hành? Nếu quy định cá nhân người lao động có quyền nộp đơn thì làm sao phân biệt và tránh được sự lạm dụng giữa trường hợp tranh chấp về tiền lương giữa DN và cá nhân người lao động với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.” 
Ông cũng đưa ra vấn đề: Nếu quy định đây là quyền của tập thể lao động thì cần phải quy định về trình tự thủ tục cử đại diện như quy định của luật hiện hành. Bên cạnh đó cần cân nhắc việc có nên tiếp tục quy định quyền của người lao động trực tiếp nộp đơn hay không? Người lao động thực hiện quyền này thông qua công đoàn, quy định như vậy nó cũng phù hợp với quy định của Luật công đoàn cũng như Bộ luật lao động Quốc hội mới thông qua.
ĐB Dương Quang Sơn - Bắc Kạn - cũng cho rằng quy định như dự thảo là chưa hợp lý, vì doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn nhất là vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, như hiện nay rất nhiều DN rơi vào tình trạng như vậy, điển hình hiện nay có rất nhiều DN nợ lương của người lao động 6-7 tháng chứ không phải 1-3 tháng. Quy định như vậy dễ dẫn đến việc người lao động tích cực đòi DN, HTX làm thủ tục phá sản, để gây sức ép và càng gây khó khăn thêm cho DN, HTX.” 
Chung quan điểm này, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh cho rằng quy định mở rộng đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá đã bảo vệ tối đa cho các chủ nợ, nhưng dễ dẫn đến tình trạng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tràn lan, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN, HTX cũng như việc hoạt động bình thường của tòa án. 
Thay vì biểu tình, công nhân có thể ra tòa yêu cầu tuyên bố phá sản (Hình chỉ mang tính minh họa - Internet)
 Thay vì biểu tình, công nhân có thể ra tòa yêu cầu tuyên bố phá sản (Hình chỉ mang tính minh họa - Internet)
“Tôi hoàn toàn thống nhất là chúng ta vừa quy định định tính nhưng cũng phải kết hợp với định lượng phương án quy định giới hạn khoản nợ phải trả từ 200 triệu đồng trở lên như dự thảo lần trước tôi hoàn toàn thấy hợp lý hơn”- ông nói.
Trần Xuân Hoà - Quảng Ninh - đưa ra một lý do khác: Nếu chỉ dừng lại ở các quy định nêu trên để cho phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét mở thủ tục phá sản thì sẽ gây nhiều khó khăn, phiền toái cho cả DN, HTX lẫn tòa án nhân dân, và không tránh khỏi việc lợi dụng quy định thiếu chặt chẽ này để gây khó khăn, thậm chí gây hại cho DN, HTX.  Đề nghị quy định chỉ được phép nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và xem xét mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán ở mức độ lâm vào tình trạng phá sản.
Có nên "ra giá" cho tình trạng mất khả năng thanh toán?
“Mất khả năng thanh toán” là điều kiện để mở thủ tục phá sản. Nhưng theo các ĐB QH, khái niệm này nên được quy định rõ ràng, không chỉ dừng lại ở mức độ định tính.
Dương Hoàng Hương - Phú Thọ - phát biểu: “Điều 42, Dự thảo quy định chỉ cần có 1 trong 2 căn cứ thì tòa án sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản. Một trong các căn cứ đó là doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn. Quy định này theo tôi là chưa phù hợp”. 
Chứng minh quan điểm của mình đại biểu tỉnh Phú Thọ nói: Thứ nhất, việc không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán nợ thể hiện ý thức, thái độ chủ quan không chịu thực hiện nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp, của hợp tác xã. Điều này khác hẳn với trường hợp doanh nghiệp hợp tác xã bị rơi vào tình trạng không thể thanh toán được khoản nợ đến hạn để bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. 
Do 2 trường hợp nói trên khác nhau, xét về ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cả về những tác động, hậu quả mà mỗi trường hợp có thể gây ra cho xã hội. Cho nên, không thể chọn chung một cách ứng xử của nhà nước, của pháp luật đối với cả 2 trường hợp này. 
Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, với những trường hợp doanh nghiệp hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn thì không nên mở thủ tục để giải quyết theo trình tự phá sản. Trong trường hợp này thì chỉ nên quy định hướng dẫn chủ nợ về quyền khởi kiện vụ án dân sự hoặc kinh tế và sử dụng trình tự tố tụng dân sự hoặc kinh tế để giải quyết vụ việc cho đúng với bản chất thực của vấn đề cần giải quyết.
Phân tích khả năng mất thanh toán của doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thành Bộ - Thanh Hoá cho rằng Dự thảo không quy định rõ doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán nợ đến hạn là không thanh toán được toàn bộ hay một phần khoản nợ đến hạn này. “Theo tôi kể cả trong trường hợp doanh nghiệp đã thanh toán được một phần nợ đến hạn, còn một phần chưa thanh toán được vẫn xác định lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.” – ông nói. 
Theo lý giải của ĐB tỉnh Thanh Hóa: Vì khi không thanh toán được khoản nợ đến hạn dù là nhỏ hay lớn đã xâm phạm đến quyền lợi của chủ nợ, đồng thời đây cũng là bằng chứng để chứng minh năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp. Mặt khác, việc quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng đối phó của doanh nghiệp mắc nợ, doanh nghiệp không thể lấy lý do trả một khoản tiền nhỏ trong tổng số nợ lớn để loại trừ tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp….
Từ những phân tích của mình, ĐB tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần quy định: Mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán hoặc thanh toán không hết khoản nợ đến hạn.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh - TP Hồ Chí Minh - đề nghị cần phải đưa "giá ngạch" cho vấn đề "mất khả năng thanh toán". "Luật Hình sự, Luật dân sự, Luật Hành chính cũng đã đưa ra rất rõ quy định về "mức giá" nào thì bị coi là vi phạm. Do vậy, Luật Phá sản cũng cần phải đưa một “định lượng” về quyền của chủ nợ./.

Đọc thêm