Một chiều cuối tuần tháng Tư nắng như đổ lửa, qua nhiều lần thăm hỏi, chúng tôi cũng tìm được căn nhà nhỏ của gia đình Đại tá Lê Bá Ước nằm trong một con hẻm cụt tại phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đón chúng tôi là người đàn ông dáng cao gầy, tóc bạc phơ nhưng đôi mắt thì rất sáng, đó chính là Đại tá Lê Bá Ước.
Ở tuổi 84 với 60 năm tuổi Đảng, nhưng trí nhớ ông còn rất minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe vanh vách những chiến công oai hùng, những mất mát, hy sinh của bộ đội đặc công Sư đoàn 2 trong suốt chiều dài chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Quyết chiến điểm
Tháng 4/1974, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đã ra quyết định chuyển Đoàn 27 đặc công thành Sư đoàn 2 đặc công. Cơ quan Sư đoàn có 3 phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Lực lượng trực thuộc gồm có 7 trung đoàn: e 10, e 113, e 115, e 116, e 117, e 119 và e 429. Lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn gồm có: đồng chí Nguyễn Văn Mây làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Lê Bá Ước làm Chính ủy, 3 đồng chí Tống Viết Dương, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Minh Dũng là Sư đoàn phó.
Với khả năng hiện có, Sư đoàn đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tác chiến được trong mọi tình huống, mọi điều kiện khác nhau; tiến hành đánh địch theo mệnh lệnh, đánh địch trong hiệp đồng quân, binh chủng, đánh không cần chuẩn bị trước, không lệ thuộc vào điều kiện thời gian, thời tiết.
Với phương châm và mục tiêu đề ra trong nghị quyết: “Sư đoàn 2 phải lấy vùng ven là nhà, kho tàng bến cảng, sân bay là trận địa, Sài Gòn - Gia Định là quyết chiến điểm”, cán bộ, chiến sỹ toàn Sư đoàn hạ quyết tâm giành chiến thắng trước mọi khó khăn, gian khổ.
Sư đoàn đã nhanh chóng thọc sâu 1 trung đoàn xuống Vườn thơm Bà Vụ và lộ 4, hai trung đoàn từ Bari Tân Quy cập sông Sài Gòn áp xuống vùng ven xa lộ Đại Hàn, ba trung đoàn bám chặt cánh Đông nơi có Kho Long Bình, sân bay Biên Hòa, căn cứ Nước Trong, Trường Thiết giáp, hậu cứ Quân đoàn 3 ngụy, sông Lòng Tàu…
Còn Trung đoàn 429 cơ động phối thuộc với các sư đoàn chủ lực. Nhiệm vụ cụ thể cấp trên giao cho Sư đoàn 2 là phải phá hủy 20 cây cầu xung quanh Sài Gòn - Gia Định; phải đánh liên tục mở mảng, mở vùng, hỗ trợ cho lực lượng cơ sở bám trụ trưởng thành, tạo điều kiện cho tổng công kích và tổng khởi nghĩa kết thúc thắng lợi sau 2 năm 1974-1975.
Trong khí thế bừng bừng tiến công, Sư đoàn 2 đã đánh liên tục. Trong năm 1974, tổng kết lại Sư đoàn đã đánh gần 500 trận lớn nhỏ, điển hình như cánh Đông e116 đánh chiếm Trường Thiết giáp, bắn phá trại biệt kích Yên Thế, Lôi Hỗ, căn cứ Long Bình. E113 đánh kho bom Bình Ý, pháo kích đạn DKB, cối 82 vào sân bay Biên Hòa, e10 bám chặt sông Lòng Tàu, bằng lối đánh của pháo đặc công đã bắn liên tục DKB vào trung tâm Sài Gòn, e113 đánh sập cầu Hòa An, cầu Thủ Dầu Một (trong 20 cầu được giao phá hủy).
Rõ nhiệm vụ
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị. Sau khi đánh giá thắng lợi đã đạt được và phân tích tình hình một cách toàn diện, khoa học, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4/1975”. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Nhiệm vụ chiến dịch của đặc công là: Đánh chiếm, chốt giữ 14 chiếc cầu và một số căn cứ địch án ngữ đường vào Sài Gòn, Vũng Tàu, tạo thuận lợi cho binh chủng hợp thành thần tốc tiến vào Sài Gòn; bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, vít chặt sông Lòng Tàu, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong kết hợp với chủ lực tiến công từ ngoài vào hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực nội đô.
Ngày 8/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền tổ chức thống nhất lực lượng đặc công tham gia chiến dịch gồm có Sư đoàn 2, Lữ đoàn 316 biệt động, Thành đội Sài Gòn-Gia Định đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền được bố trí trên 3 hướng:
Hướng đông gồm có e10, e113, e116 Sư đoàn 2; d81 và các Z22, Z23, Z24 Lữ đoàn 316; d4 đặc công Thủ Đức. Đồng chí Tống Viết Dương (Năm Dương) được cử làm Tư lệnh, đồng chí Lê Bá Ước làm Chính ủy.
Hướng Bắc gồm có e115, e119 Sư đoàn 2; các d80, d83, các Z20, Z28, Z31, Z32 Lữ đoàn 316; e198 Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng (Mười Cơ) được cử làm Tư lệnh, đồng chí Tư Được làm Chính ủy.
Hướng Tây gồm có e117, e429 Sư đoàn 2; d28 và các Z25, Z26, Z30 Lữ đoàn 316. Đồng chí Nguyễn Văn Mây được cử làm Tư lệnh, đồng chí Bẩy Dũng làm Chính ủy.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm hỏi Đại tá Lê Bá Ước tại Nhơn Trạch, Đồng Nai (tháng 8/2014) |
Sở Chỉ huy Sư đoàn 2 đặc công đặt tại một lỏm rừng Bình Sơn cách chi khu Long Thành không xa lắm. Ban Chỉ huy nhận được lệnh triệu tập của R (Trung ương Cục Miền Nam) do đồng chí Tư Chi (tướng Trần Văn Trà) ký tên chỉ định đích danh: “Chính ủy Lê Bá Ước mặt trận cánh Đông đến ngay Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 để nhận nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến chiến dịch”.
Tại buổi họp khẩn cấp có đồng chí Tư Chi, đồng chí Lê Văn Ngọc là Tư lệnh T7 (Quân khu 7) và các sỹ quan tham mưu, đồng chí Hoàng Cầm (Tư lệnh Quân đoàn 4) tiến hành giao luôn nhiệm vụ cho Sư đoàn 2 đặc công: “Lực lượng đặc công biệt động tổ chức ngay một mũi thọc sâu ém sẵn đến ngày N tổ chức đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, chiếm giữ cầu Sài Gòn, bảo đảm cho Sư đoàn 7 bộ binh vượt qua đánh chiếm Dinh Độc Lập; tổ chức một mũi luồn qua Tân Uyên, áp sát xa lộ Biên Hòa, chiếm giữ một số cầu Ghềnh, Rạch Cát, cầu Mới. Cánh Rừng Sác (e10) khép chặt sông Lòng Tàu, áp sát căn cứ Hải quân Nhà Bè. Tất cả mọi lực lượng phải sẵn sàng cho ngày N, giờ G đã cận kề”.
Tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 2, sau khi trao đổi họp bàn, Ban Chỉ huy đã thống nhất kế hoạch tác chiến. Theo đó, Tư lệnh Tống Viết Dương trực tiếp chỉ huy, điều động toàn bộ Trung đoàn Đặc công 116 với tất cả vũ khí, khí tài, thuốc nổ nhanh chóng tiếp cận khu vực rạch Cá Trê Lớn, Cá Trê Bé sau lưng xưởng đóng tàu Caric, vừa điều nghiên, vừa áp sát mục tiêu.
Khi có lệnh sẽ bằng nhiều phương án kết hợp hỏa lực, bộc phá bất ngờ đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân và chốt giữ cầu Sài Gòn, coi như đây là trận đánh cuối cùng mà Trung đoàn dồn sức để phải thắng, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Sư đoàn: “Sài Gòn- Gia Định là quyết chiến điểm”.
Đồng chí Hai Thoạn (Phó Chính ủy) điều động e113 rời khỏi căn cứ Bàu Hàm, bí mật luồn qua Tân Uyên xuống Thủ Đức áp sát xa lộ Biên Hòa sẵn sàng hỗ trợ cho e116 khi cần, đặc biệt chuẩn bị chiếm giữ các cầu: Ghềnh, Rạch Cát, Hóa An, ngăn chặn địch rút chạy khi Quân đoàn 4 tiến công Quân đoàn 3 ngụy; chỉ đạo e10 Rừng Sác triển khai nhiều chốt chặn tiêu diệt địch rút chạy ra biển Đông và sẵn sàng phương án đánh chiếm căn cứ Hải quân Nhà Bè.
Bảo vệ đường tiến quân
Trong lúc Ban Chỉ huy Sư đoàn 2 đang nghe đồng chí Tham mưu trưởng Bảy Nhuận báo cáo việc truyền đạt mệnh lệnh cho Tiểu đoàn 80, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức và 3 Z biệt động phối thuộc về cách áp sát quyết tâm đánh cầu Rạch Chiếc thì tiếp nhận được điện TKZN (Thượng khẩn dịch ngay) của R do đồng chí Tư Chi ký tên với nội dung: “Dừng lại kế hoạch thọc sâu với Quân đoàn 4, các anh đến ngay nhận nhiệm vụ phối thuộc với Quân đoàn 2 hiệp đồng tác chiến”, theo sự chỉ đạo của anh Tám Long (Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn).
Chính ủy Lê Bá Ước khẩn trương đến Sở Chỉ huy Quân đoàn 2. Trong hội trường đã có mặt đông đủ các cấp cán bộ sư, lữ đoàn binh chủng hợp thành đang vây quanh tấm bản đồ chiến dịch trải rộng trên mặt cỏ dã chiến.
Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An nhìn về phía đồng chí Lê Bá Ước và giao nhiệm vụ ngay: “Sư đoàn 2 đặc công hướng Đông có nhiệm vụ đúng giờ G ngày N phải hoàn thành đánh chiếm cầu Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Bảo đảm trục đường hướng tiến công chủ yếu cho Quân đoàn đánh thẳng vào Sài Gòn chiếm Dinh Độc Lập. Hướng thứ yếu chiếm giữ phà Cát Lái để bộ binh vượt sông, ngăn chặn tàu địch rút chạy ra biển đường sông Lòng Tàu…”.
Lúc này tiếng súng đang rền vang các hướng nơi Quân đoàn 4 đang theo trục quốc lộ 1 xuống Hố Nai về Biên Hòa. Trực thăng địch bay đến đâu thì đạn cao xạ phòng không của ta vút lên đến đó, trong lúc trục lộ 15 đang dày đặc đội hình địch rút chạy nhốn nháo, tháo lui và án ngữ.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn Đặc công 10 Rừng Sác, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2)
(Còn tiếp)