Xé toang “lá chắn thép” Phan Rang

(PLO) - Sau khi mất toàn bộ vùng đất Quân khu 1 và phần lớn Quân khu 2, chính quyền Sài Gòn đã nhanh chóng tổ chức Phan Rang thành tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn và các vùng đất còn lại, hy vọng có thể cản phá hoặc làm chậm bước tiến của lực lượng ta trên hướng duyên hải vào Sài Gòn. 
Lữ đoàn Xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến công đánh chiếm Tòa hành chính tỉnh Bình Thuận. (Ảnh tư liệu)
Lữ đoàn Xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến công đánh chiếm Tòa hành chính tỉnh Bình Thuận. (Ảnh tư liệu)
Phan Rang, một tỉnh ven biển miền Trung, cách Sài Gòn 351km về phía Bắc, nằm trên ngã ba đường số 1 và đường số 11 đi Đà Lạt, là địa bàn quan trọng nối liền Trung bộ với Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Trong khu vực có sân bay Thành Sơn và hai cảng biển Ninh Chữ và Tân Thành. 
Hy vọng cuối cùng
Ngày 2/4/1975, theo kế hoạch phòng thủ của tướng Mỹ Uây-oen, chính quyền Sài Gòn sáp nhập các phần đất còn lại của Quân khu 2 vào Quân khu 3, đồng thời lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 do viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy, đóng tại sân bay Thành Sơn (bắc thị xã Phan Rang) để tổ chức lực lượng phòng thủ. 
Lực lượng địch có khoảng 12.000 quân, gồm Sư đoàn Bộ binh 2 (thiếu), Lữ đoàn Dù 2, Liên đoàn 31 biệt động quân, 4 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo 105 mm, 1 chi đội thiết giáp; 150 máy bay và Sở Chỉ huy Sư đoàn 6 không quân mới rút từ Tây Nguyên về sân bay Thành Sơn; khoảng 7-10 tàu chiến ở cảng Ninh Chữ. 
Phán đoán ta có thể tiến công vào Phan Rang từ hướng bắc theo đường số 1 và hướng tây bắc theo đường 11, địch điều các đơn vị bộ binh ra chiếm giữ các địa bàn có lợi ở Du Long, Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú, ngã ba đường số 1 và đường 11, lập tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn ta từ hướng bắc. 
Về phía ta, trước tình hình địch hoang mang cực độ, chiến sự ở ven biển Nam Trung bộ diễn biến rất nhanh, rất có lợi cho ta. Theo đề nghị của Thường vụ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Thường vụ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định hình thành cánh quân ven biển (duyên hải) gồm các lực lượng vừa giải phóng Đà Nẵng, nhanh chóng tiến quân đánh địch trong hành tiến, tiêu diệt địch và làm chủ các địa bàn chiến lược từ Nha Trang trở vào, không cho địch co cụm về Sài Gòn.  
Cánh quân duyên hải gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế), Sư đoàn 3 Quân khu 5 và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh. Nhiệm vụ là vừa đánh địch, vừa mở đường với tốc độ thật nhanh, khẩn trương đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn.
Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh. Ban Cán sự Đảng lâm thời do đồng chí Lê Quang Hoà làm Bí thư.
Thường trực Quân ủy Trung ương giao cho cánh quân duyên hải nhanh chóng tiến theo đường số 1, chọc thủng phòng tuyến địch ở Phan Rang, tiếp đó cùng với các lực lượng Miền, đánh chiếm Bà Rịa, Ô Cấp, khống chế sông Lòng Tàu, đặt pháo tầm xa ở Nhơn Trạch hoặc Thành Tuy Hạ chế áp các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, có phương án vượt sông thọc vào trung tâm thành phố. 
Chiến sỹ mới ở Sư đoàn Bộ binh 325 tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tiếp nối truyền thống anh hùng của Sư đoàn. Ảnh:H.Tuấn
Chiến sỹ mới ở Sư đoàn Bộ binh 325 tích cực huấn luyện
sẵn sàng chiến đấu, tiếp nối truyền thống anh hùng của Sư đoàn.
Ảnh:H.Tuấn
 
Vừa tiến vừa đánh
Để nhanh chóng đưa cánh quân duyên hải vào tham gia giải phóng Sài Gòn, Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định tổ chức lực lượng tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang của địch. Lực lượng tham gia gồm Sư đoàn Bộ binh 325, các trung đoàn pháo phòng không 243 và 284, Lữ đoàn Xe tăng 203 và Trung đoàn Pháo binh 84, hai tiểu đoàn xe tăng thiết giáp (Quân đoàn 2); Sư đoàn Bộ binh 3 (Quân khu 5), gồm các Trung đoàn 2, 141 và 12 làm lực lượng dự bị và Trung đoàn Bộ binh 25 (mặt trận Tây Nguyên)...
Sau một thời gian ngắn vừa hành quân vừa chuẩn bị, 5 giờ 30 phút ngày 14/4, các đơn vị thuộc Sư đoàn Bộ binh 3 Quân khu 5 phối hợp với Trung đoàn Bộ binh 25 mặt trận Tây Nguyên, được pháo binh chi viện, nổ súng tiến công địch ở thị xã Phan Rang; kết hợp đột phá, thọc sâu với vu hồi, bộ đội ta nhanh chóng phá vỡ cụm phòng ngự của địch ở phía bắc thị xã, áp sát sân bay Thành Sơn.
Quân địch dựa vào hệ thống công sự trên những địa thế có lợi và hoả lực pháo binh, không quân chi viện đắc lực, chống cự quyết liệt, ngăn cản các mũi tiến công của ta…
Qua hai ngày chiến đấu, lực lượng ta trên hướng chủ yếu - đường số 1 và  hướng thứ yếu - đường số 11 đã đánh chiếm và giữ vững được một số vị trí quan trọng ở vòng ngoài gồm quận lỵ Du Long, các điểm cao 105, Ba Râu, 300, Suối Vàng, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp; toàn bộ các mục tiêu trọng yếu của địch trong thị xã Phan Rang bị ta vây chặt, nhưng tốc độ tiến công rất chậm. 
Để nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ của địch, nhanh chóng mở đường tiến vào Sài Gòn, Bộ Tư lệnh cánh quân duyên hải quyết định đưa các lực lượng của Quân đoàn 2 vừa hành quân tới Phan Rang vào chiến đấu ngay và 5 giờ ngày 16/4, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An thực thi mệnh lệnh, cho Sư đoàn 325 vào trận. 
Phương án tác chiến là tổ chức một đội hình thọc sâu mạnh, dùng xe bánh hơi kết hợp xe tăng vận chuyển lực lượng đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang rồi toả ra, tiến sang phía đông chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Chữ, vít chặt đường biển; đồng thời theo đường số 11 đánh ngược lên phía tây bắc vu hồi vào sườn phía tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, khoá nốt đường bộ, phối hợp cùng quân và dân địa phương nhanh chóng bao vây tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch. 
Theo phương án trên, Trung đoàn Bộ binh 101 Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) tổ chức thành mũi nhọn thọc sâu binh chủng hợp thành, xuất phát từ vị trí bàn đạp của Sư đoàn 3 phối hợp Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn Xe tăng 203) bắt đầu tiến công trong hành tiến theo đường số 1, đột phá thẳng vào tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang. 
Dẫn đầu đội hình tiến công là Tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh hơi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85mm và cao xạ 37mm cơ động trong đội hình sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp vào các mục tiêu trên mặt đất và bắn máy bay địch.
Lữ đoàn 164 pháo binh đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hoả lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. 
Đánh tan tuyến phòng thủ
Bằng sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, đặc biệt là sức đột phá mạnh của xe tăng, thiết giáp, sau hai giờ chiến đấu, ta đã nhanh chóng đánh tan các cụm quân địch phòng thủ ở Hội Diên, An Xuân, ngã ba Cà Đú, khu vực trường bắn (cách thị xã 2km) sau đó tiến thẳng vào trung tâm thị xã. 
Đến 7 giờ ngày 16/4, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 101, Sư đoàn 325) và Tiểu đoàn 4 xe tăng, thiết giáp đã làm chủ thị xã, sau đó ta nhanh chóng chia thành nhiều mũi phát triển tiến công, đánh chiếm các cảng Ninh Chữ, Tân Thành, quận lỵ Bửu Sơn (Tháp Chàm) và sân bay Thành Sơn, bịt kín các đường rút quân của địch ở Phan Rang. 
Một bộ phận phát triển theo đường số 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lỵ Phú Quý, khoá chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía nam. Địch đã huy động hàng chục lần chiếc máy bay ném bom vào phía sau đội hình hành quân của ta trên đường số 1; đồng thời đưa quân dù từ sân bay Thành Sơn ra phản kích. 
Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 đã anh dũng đánh lui các đợt phản kích của địch, 9 giờ 30 phút ngày 16/4, ta làm chủ sân bay Thành Sơn và tiếp tục truy kích tàn quân địch ở Cà Ná. Tối 16/4, ta đánh tan tuyến phòng thủ Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận và một phần phía bắc tỉnh Bình Thuận.
Kết quả, ta đã đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang, tiêu diệt Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động, một trung đoàn của sư đoàn mới khôi phục, toàn bộ lực lượng của tiểu khu Ninh Thuận, làm chủ cảng Tân Thành và Ninh Chữ, chiếm sân bay Thành Sơn, thu 40 máy bay, 60 khẩu pháo cùng nhiều phương tiện và đồ dùng quân sự, loại khỏi vòng chiến đấu và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ Phan Rang gồm hơn một vạn tên. 
Hai viên tướng quân đội Sài Gòn là Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi - Tư lệnh chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang - Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân cùng nhiều sĩ quan, binh lính địch bị bắt. 
22 giờ ngày 16/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện khen toàn thể cán bộ chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang. Đại tướng chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân và phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành những chiến thắng mới.
Ngày 18/4, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gửi thư khen cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 3, động viên sư đoàn lập nhiều chiến công mới, xứng đáng với vinh dự được thay mặt khối chủ lực Quân khu 5 tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Sau khi mất Phan Rang, quân địch càng thêm hoảng sợ trước sức tiến công mãnh liệt và thần tốc của cánh quân duyên hải. Địch dùng tàu chiến chở một đại đội biệt kích đổ bộ lên quận Tuy Phong, bắc Phan Thiết, cho nhiều tốp máy bay ném bom và sử dụng pháo từ tàu biển bắn vào để ngăn chặn.
Phân đội bộ binh và trinh sát Sư đoàn 325 đi đầu đội hình đã tổ chức truy quét, diệt gọn đại đội biệt kích địch. Pháo mặt đất, pháo trên xe tăng, pháo cao xạ lập trận địa ngay trên đường số 1, bắn chìm và bắn cháy 4 tàu chiến, bắn rơi tại chỗ một máy bay F5…
Ngày 18/4, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 và các đơn vị binh chủng tiến công trong hành tiến, phối hợp với Trung đoàn 812 chủ lực Quân khu 6 và Tiểu đoàn 15 bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận giải phóng thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận. 
Chiến thắng Phan Rang ghi tiếp một tiến bộ mới của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành trong hành tiến, góp phần quyết định đập tan kế hoạch phòng thủ từ xa của địch, tạo thế thuận lợi giải phóng Bình Tuy, Bình Thuận, kịp thời đưa toàn bộ cánh quân duyên hải vào tham gia giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Đây là trận tiến công trong hành tiến, thể hiện sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng và tinh thần thần tốc, táo bạo của cán bộ chiến sĩ ta trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Sáng 19/4, đội hình tiến công của Quân đoàn 2 ào ạt đánh qua tỉnh Bình Tuy, tiến về phía Xuân Lộc...

Đọc thêm