Từ cuối năm 1965 đến 30/4/1975, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã chiến đấu 595 trận, diệt 6.200 quân địch; đánh chìm và cháy 365 tàu, thuyền chiến đấu; đánh đắm 133 tàu vận tải từ 800 đến 13 ngàn tấn và bắn cháy 145 tàu vận tải khác; bắn rơi 29 máy bay trực thăng; phá hủy 200 triệu lít xăng và khí đốt butaga tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
Sông Lòng Tàu được mệnh danh là "nghĩa địa" của tàu chiến bởi những trận chiến đấu mưu trí, sáng tạo và cách đánh xuất quỷ nhập thần của đặc công Việt Nam. Tướng Oétmôlen phải thú nhận trong “Tường trình của một quân nhân” rằng: “Từ lâu tôi vẫn sợ Việt Cộng đánh chìm những chiếc tàu lớn dọc đoạn đường bốn mươi dặm của sông Sài Gòn, nhằm chặn con đuờng thuỷ huyết mạch từ Sài Gòn ra biển”.
“Yết Kiêu” Rừng Sác
Vào năm 1960, nhận thấy tầm quan trọng của những cánh rừng ngập mặn mênh mông và để đối phó với hoạt động của "Việt cộng nằm vùng", chính quyền Sài Gòn lập đội "Biệt khu Rừng Sác" trực thuộc Khu 31 chiến thuật.
Năm 1963, Bộ Tổng tham mưu ngụy cho đổi "Biệt khu Rừng Sác" thành "Đặc khu Rừng Sác”, đặt dưới sự chỉ huy của tư lệnh Quân khu 3 về mặt lãnh thổ và trực thuộc chỉ huy của Bộ tư lệnh hải quân về mặt hành quân và tác chiến. Bộ chỉ huy đặc khu nằm ngay sát quân cảng Nhà Bè do Trung tá Nguyễn Việt Thanh - một tên ác ôn khét tiếng đã được tặng gần 20 huân chương - làm chỉ huy trưởng.
Lực lượng đặc khu tương đương một trung đoàn chủ lực hợp thành từ các binh chủng hải quân, pháo binh, được tăng cường một phi đội máy bay lên thẳng võ trang và được trang bị tàu bo bo, tàu tuần, tàu "há mồm" đổ bộ LCM và tàu quét mìn.
Về pháo binh, có trận địa pháo 105 ly và 155 ly đặt tại các căn cứ Nhà Bè, Phước Khánh, An Thít. Lính đặc khu mang phù hiệu con cá sấu hung hãn màu xám đang chồm lên cái nền xanh Rừng Sác, nhe răng nhọn hoắt...
Để bảo vệ những con tàu ra vào trên sông Lòng Tàu và khống chế Việt Cộng Rừng Sác, Mỹ điều động Lữ đoàn thủy quân lục chiến 199, ưu tiên cho mọi chi viện, không loại trừ quy mô huy động nào để tiêu diệt, trục xuất đối phương ra khỏi Rừng Sác, kể cả sử dụng không quân chiến lược B52, hải quân trong đó có cả pháo Hạm đội 7.
Thế nhưng, bất chấp tất cả và đặc biệt là sự tàn khốc của bom đạn do kẻ thù gây ra, Việt Cộng ở Rừng Sác vẫn lớn mạnh không ngừng và trở thành những Yết Kiêu khiến kẻ thù bạt vía, kinh hồn.
Trong cuốn “Đặc khu Rừng Sác”, tác giả Hồ Sĩ Thành kể, ngày 2/5/1964, tại cảng Sài Gòn, nhóm biệt động Lâm Sơn Náo đã đánh chìm chiếc tàu chở máy bay mang nhãn hiệu US CARD có trọng tải 16.500 tấn, kéo xuống đáy sông 21 máy bay lên thẳng, 2 máy bay trinh sát L19, 1 máy bay khu trục AD6 và 50 thủy thủ Mỹ.
Hạt nhân đầu tiên ở Rừng Sác là tiểu đội đặc công nước đánh thủy lôi do Cục Tham mưu B2 (miền Đông Nam Bộ) cử về, do đồng chí Cù Văn Điển chỉ huy hoạt động từ Cần Giờ lên Tam Thôn Hiệp.
Tháng 10/1964, một đại đội hỏa lực có huấn luyện đặc công của Bộ tổng Tham mưu, vượt Trường Sơn vào tăng cường cho Rừng Sác.
Tháng 5/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân lại chi viện cho Rừng Sác 2 trung đội công binh. Cuối năm 1965, Rừng Sác thành lập tiểu đoàn đặc công thủy mang số hiệu 125 và lấy tên công khai là Đoàn 5001.
Nhấn chìm tàu Victory
Sông Lòng Tàu là đường giao thông thủy quan trọng thông ra đường biển quốc tế, có độ sâu lớn, cho phép tàu hàng chục ngàn tấn đi qua. Trước đây, Mỹ ngụy định chuyển con đường tàu bè nước ngoài vào cảng Sài Gòn bằng đường sông Soài Rạp vì sông ngắn, rộng, ít quanh co, quân giải phóng khó tấn công.
Thế nhưng, lòng sông Soài Rạp cạn và tốc độ lấp cạn khá nhanh buộc Mỹ ngụy phải sử dụng đường sông Lòng Tàu. Các tàu đi lại trên Sông Lòng Tàu trở thành “miếng mồi” của đặc công Việt Cộng.
Tại đây, ở khúc quanh ở vàm Ngã Bảy, gần ngã ba Vàm Cống, đặc công Rừng Sác đã bố trí trận địa thủy lôi. Một bộ phận chốt hành lang rải ra 10km từ Rạch Tràm qua Dần Xây, Mống Nam, Ăn Chè ra Vàm Cống. Nữ chiến sĩ Bảy Nga làm giao liên trinh sát trên sông Lòng Tàu, cung cấp tin thường xuyên cho Đoàn 10.
Đơn vị bố trí 2 khẩu ĐKZ75 phía nam sông Dần Xây và phía bắc đồn Đèn Xanh để chặn địch ở ngã ba sông Lồi Giang, ngả Nhà Bè xuống và 1 khẩu 12,7 ly gần trận địa chính để đánh địch trên không.
Đêm 21/8/1966, Đặc khu nhận được tin có 3 chiếc tàu hàng quân sự của Mỹ chuẩn bị vào bến Ô Cấp (Vũng Tàu), sau đó sẽ vào sông Lòng Tàu. Trên chỉ thị đánh chiếc đi sau cùng mang tên Victory. Anh em cho rằng tại khúc sông Ngã Bảy chỉ cần 2 trái thủy lôi bố trí cách nhau 45m ở hai bên lạch tàu và ở một độ sâu thích hợp thì không một chiếc tàu cỡ lớn nào trên dưới 10 ngàn tấn có thể thoát được.
Đơn vị ra trận vào đêm hạ tuần, đoàn xuồng ra đi trước giờ trăng sáng. Thủy lôi, pháo, súng, cơm vắt, gạo rang, nước ngọt hành quân cùng chiến sĩ qua những luồng lạch khúc khuỷu quanh co.
0 giờ ngày 23/8, 2 trái K5 đã vào vị trí, 2 khẩu ĐK cũng đã đến trận địa. Đến 3 giờ, tất cả đã sẵn sàng. 7 giờ, 2 chiếc trực thăng từ Nhà Bè bay lên sà thấp gần mặt sông, xả súng vào các đám lục bình và những khúc cây trôi nổi. Một lát sau, chúng bay ngược dòng sông dắt theo 4 tàu quét mìn quét cặp hai bờ. Từ phía xa xuất hiện lá cờ Mỹ chót vót trên cột tàu.
Hai chiếc đầu lướt qua vòng cua một cách êm xuôi. Chờ mãi, bỗng một chấm đen xuất hiện rồi lớn dần và hiện nguyên hình là con thủy quái khổng lồ. Đến vòng cua, nó đột ngột dừng lại. Mọi người vừa đọc được dòng chữ trắng trên thân tàu Baton Rugiơ Victory thì hai tiếng nổ vang lên làm rung chuyển cả dòng sông.
Lập tức hai bức tường nước trắng xóa dựng lên như cái hàm thủy thần nuốt chửng con tàu đang bị phủ một luồng lửa lớn. Bức tường nước từ từ choãi xuống, rồi mặt sông sóng sánh chỉ còn trơ lại cái đài chỉ huy trống toang và lá cờ 50 ngôi sao ngậm nước ủ rũ. Lúc đó là 8 giờ 15 phút ngày 23/8/1966.
|
Hình ảnh Tàu Baton Rugiơ Victory bị đánh chìm được đăng trên báo nước ngoài. |
Trong chốc lát, 16 tầu tuần tiễu từ hai phía lao tới ồ ạt vãi đạn, rồi 16 lượt trực thăng đổ quân xuống hai bờ sông... Trận đánh kéo dài 7 ngày đêm quyết liệt trên trận địa dài 30km. 8 chiếc tàu lớn nhỏ của giặc bị trúng đạn.
Trên ngã ba sông Lôi Giang, 1 tàu 8 ngàn tấn lọt vào trận địa C2, bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy, lửa khói ngùn ngụt suốt hai ngày đêm.
Về sau qua tài liệu của Mỹ, đơn vị mới biết cấp trên chỉ thị đánh mục tiêu thứ ba bởi đây là tàu chở hậu cần của sư đoàn 4 Mỹ, trên đó có 45 thủy thủ, gần 100 xe thiết giáp M113, 3 máy bay phản lực và một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm đủ cho một sư đoàn ăn trong chiến dịch mùa khô.
Vài tháng sau, với kỹ thuật trục vớt hiện đại, Mỹ đã đưa cái "quan tài thép rỉ" lên mặt nước để cho vào một lò tái sinh ở Nhật Bản.
"Nghĩa địa" của tàu giặc
Sau trận đánh tàu Baton Rugiơ Victory, Mỹ đưa tiếp vào sông Lòng Tàu 15 tàu quét mìn và một lữ đoàn lính thủy đánh bộ. Mỹ xây dựng chương trình khống chế mặt nước mang tên Garne Warden, lấy Rừng Sác làm nơi thí điểm.
Theo Tướng Wes, chương trình Garne Warden gồm 120 tàu tuần giang của Mỹ hàng ngày khám xét trên 2.000 xuồng ghe trên các đường sông chằng chịt của Việt Nam...
Một tàu LTS được cải tiến dùng làm tàu mẹ cùng các tàu tuần tra và một đội trực thăng võ trang của lục quân Mỹ liên tục được điều động đi ứng cứu mỗi khi các tàu tuần tra bị đánh.
Ở Rừng Sác, Mỹ thường xuyên đưa các nhóm nhỏ gồm tàu biệt kích của hải quân Mỹ và hải quân ngụy gọi là đội SEAL vào tận các luồng lạch để tìm, diệt đặc công và săn lùng "vũ khí mới" của ta. Nhưng đáng buồn là khi tàu quét mìn phát hiện và đưa 7 nhân viên kỹ thuật đến trục vớt "vũ khí bí mật”, thì cái sừng chạm của thủy lôi bị gãy khiến chiếc tàu và cả bọn lính trên đó tan xác.
Trong khi chưa tìm ra cách gì để khống chế thủy lôi của đặc công Việt Công thì vào đầu năm 1967, tại sông Lôi Giang, trong một trận đánh chống càn, hạ sĩ Bạch ở Đại đội 2 đã dùng trái thủy lôi 30kg nhận chìm một tàu há mồm chở một đại đội Mỹ... Sông Lòng Tàu trở thành “nghĩa địa” của tàu giặc.../.