Tận dụng, phát huy lợi thế địa phương
Theo những ngư dân địa phương, trước đây làng khô biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) có hàng chục cơ sở chế biến cá khô. Hầu như nhà nào có ghe đi biển cũng làm khô. Lúc đầu chỉ làm khô dự trữ để ăn lâu dài, rồi dần phát triển.
Ước tính mỗi cơ sở có thể làm được vài trăm ki-lô-gam cá khô/ngày. Tuy nhiên, nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn cá tươi nguyên liệu. Miễn ghe vô, cá nhiều và nắng tốt là người dân nơi đây lại tất bật với công việc làm khô. Trong các dịp lễ tết, khô biển này lại càng “hút hàng” vì đây là món ăn không thể thiếu của người dân quê trong những ngày này.
Anh Bùi Hoàng Hải (Công ty Hải Tuyền) giới thiệu cách chế biến và phơi khô cho khách tham quan |
Khách phương xa mỗi khi đến Gành Hào sẽ không thể quên được hình ảnh những vỉ khô san sát, đầy màu sắc nối tiếp nhau. Đây là khu vực sát biển, nắng gió nhiều nên con cá rất mau khô, đặc biệt trông bắt mắt hơn đối với những con khô phơi ở những nơi khác.
Từ sáng sớm đến chiều tối, những người phụ nữ xứ biển cứ thế miệt mài với công việc làm khô. Hết sơ chế, tẩm ướp rồi phơi, trở khô… khi đủ nắng lại phải sắp xếp mang trong. Dù trời nắng gắt, chói chang những người làm khô vẫn cần mẫn trở cá cho “đặng nắng” để khô có viền trông bắt mắt, chất lượng và bảo quản được lâu.
Khô biển Gành Hào từ lâu đã nổi tiếng, làm ra bao nhiêu bán cũng hết bởi vì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này rất lớn. Ngoài bán ra cho thị trường trong huyện còn cung cấp cho nhiều thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đáng chú ý là cung cấp cho các vựa khô ở các chợ đầu mối hay các điểm du lịch thu hút đông đảo du khách như: Nhà thờ cha Diệp, Quán âm Phật đài…
Đi lên từ nghề truyền thống
Nếu như trước đây nghề làm khô thủ công ở Gành Hào phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn cá tươi nguyên liệu thì hiện nay nguồn cung cấp cá tươi nguyên liệu có thể nhập về từ nhiều nơi.
Tiếp chuyện chúng tôi, chú Hai Dường - người có gần 20 năm chế biến khô biển ở Gành Hào cho biết: “Gia đình chú làm khô đã mấy chục năm và làm nhiều loại khô khác nhau như cá thiều, cá khoai, cá hố lưới, nhưng những năm gần đây gia đình chú chọn làm cá thiều là con khô chủ lực vì nguồn cá nguyên liệu nhập về dễ dàng, đầu ra sản phẩm khá ổn định. Cá Thiều thì nhập về từ Vũng Tàu, còn cá khoai, cá hố mua ở ghe vô của cô bác đánh bắt ở huyện Đông Hải mình đó”.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khô biển Gành Hào cũng đang dần chuyển đổi hình thức sản xuất, từ phân tán, nhỏ lẻ cho đến hình thành nên một số cơ sở lớn hay các công ty quy mô, chuyên nghiệp hơn. Có mặt tại khu vực kè Gành Hào (nơi phơi khô tập trung của những cơ sở nhỏ) thì chỉ còn vài hộ phơi khô.
Anh Nguyễn Văn An (ấp 1, thị trấn Gành Hào) cho biết: “Khô ở đây làm xong là anh bán ngay cho chủ vựa trong chợ. Cơ sở chế biến nhỏ như của anh bây giờ ít hơn trước đây rất nhiều vì bà con đã chuyển sang buôn bán và làm nghề khác”.
Tuy số lượng cơ sở giảm nhưng lượng khô cung cấp ra thị trường lại “nhảy vọt”. Bà Trần Xuân Mai, chủ cơ sở chế biến khô biển lớn nhất ở thị trấn Gành Hào cho biết, cơ sở đã làm nghề này 26 năm với gần 20 nhân công làm việc tại đây. Ngoài chế biến cá khô, cơ sở còn mở 2 vựa khô trong chợ để bỏ mối và bán lẻ cho khách hàng.
Khô biển Gành Hào ngày nay không chỉ là một làng nghề truyền thống thủ công đơn sơ mà có sự phát triển đan xen trong khu phố biển có bờ kè chắn sóng bao quanh, đã được tỉnh Bạc Liêu quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới.
Đặc sản khô biển Gành Hào từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại khô như: khô mực, khô đuối, khô đỏ dạ, cá thiều, tôm khô, các loại khô một nắng… những món khô đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khi du khách gần xa đến quê hương Đông Hải ghé mua. Tuy là món ăn dân dã, nhưng từ lâu khô biển Gành Hào đã trở thành đặc sản với nhiều người.