Đặc vụ FBI bị phim ảnh 'xuyên tạc' như thế nào? (Kỳ 2)

(PLO) - Do tác động của phim ảnh, người xem nhiều lúc hiểu sai về tình cảm, đặc quyền của các đặc vụ FBI hoặc ngộ nhận về sức mạnh của khoa học pháp y.
Phim truyền hình The Americans mùa thứ 5
Phim truyền hình The Americans mùa thứ 5

Mọi việc xảy ra nhanh chóng

Trình tự, thủ tục, tốc độ công việc của đặc vụ FBI trong phim được đẩy nhanh so với thực tế nhằm giải quyết vấn đề dung lượng có hạn của một bộ phim truyện hoặc một tập phim truyền hình.

“Trên phim ảnh, có vẻ như là chỉ cần 20 phút phân tích là chúng tôi có kết quả phân tích ADN. Công việc thực tế không nhanh như vậy đâu. Tôi nghĩ rằng, người xem có cảm giác FBI  làm mọi thứ trong chớp mắt.

Kiểu như tất cả máy bay sẵn sàng phục vụ chúng tôi và ngay khi nhận được thông báo, chúng tôi chỉ việc nhảy lên máy bay và lao đi trợ giúp Jodie Foster trong “Sự im lặng của bầy cừu”. Không. Chúng tôi cũng phải xếp hàng tại các sân bay quốc gia và cũng phải mua vé. Chúng tôi cũng phải hy vọng rằng là còn chỗ cho mình giống như những người khác”, Navarro nói.

Khoa học pháp y là “cây đũa thần”

Navarro từng là đặc vụ và giám sát viên FBI trong 25 năm. Ông nghiên cứu về “hiệu ứng điều tra hiện trường tội ác”. Điều tra hiện trường tội ác viết tắt trong tiếng Anh là CSI và đây cũng là tên bộ phim truyền hình nổi tiếng miêu tả những chuyên gia pháp y phá án tài tình. Cách mà phim ảnh miêu tả về điều tra hiện trường tội ác đã tác động nhận thức của công chúng về công việc này.

Dù các nhà nghiên cứu ở Viện Tư pháp Quốc gia cho rằng, các bộ phim như “CSI” không đáng trách, nhưng họ cũng đồng ý rằng, hiệu ứng CSI có ảnh hưởng tới suy nghĩ của bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa hình sự.

Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI
Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI

“Thành viên hội thẩm hỏi thẩm phán rằng, tại sao luật sư không đưa ra kết quả giám định ADN, tại sao họ không soát kỹ đường ống trong phòng tắm và tìm kiếm mẫu tóc, mẫu máu, tại sao họ không dùng hóa chất Luminol để tìm vết máu?”, Navarro nói. “Nó trở thành con dao hai lưỡi. Người ta hiểu biết hơn nhưng họ cũng đòi hỏi hơn mà đôi lúc không sát thực tế”, ông nhận định.

Theo Navarro, đôi lúc không có bằng chứng ADN để mà sử dụng. “Mọi người nghĩ rằng luôn có vân tay hoặc luôn có mẫu ADN ở hiện trường tội ác. Thực tế là phần lớn những thứ chúng tôi tìm thấy hầu như không có giá trị sử dụng. Người ta không để lại dấu vân tay hoàn hảo ở trên quầy tính tiền để chúng tôi tìm thấy khi tới đó”, ông nói.

Navarro cũng lưu ý rằng, ngay cả khi chứng cứ ADN hoặc vân tay được tìm thấy, cũng không phải lúc nào cũng có thể so sánh, đối chiếu. Ông từng nói chuyện với một nhóm hơn 150 lập trình viên ở Thung lũng Silicon và hỏi họ xem ai từng được lấy dấu vân tay. Chỉ có 5 người giơ tay.

Đặc vụ là người tai tiếng

Voss nói rằng, phim ảnh có xu hướng miêu tả các nhân viên thực thi luật pháp là những cá nhân mệt mỏi, tai tiếng. Theo ông, nguyên nhân là sự quan tâm của xã hội đối với các nhân vật phản anh hùng, không hoàn thiện.

“Bạn có thể biến Tony Soprano – một kẻ sát nhân hàng loạt thành một người đàn ông của gia đình, có tình cảm nồng ấm. Và bạn tạo ra một nhân viên thực thi pháp luật ti tiện, không quan tâm gia đình”, Voss nói.

Tuy nhiên, hầu hết những người làm việc cho FBI đều có gia đình và có đời tư bình thường, bỏ lại công việc phía sau, Voss khẳng định.

Không cảm xúc

Navarro cho rằng, các phim tội phạm đầy rẫy cảnh hành động có thể bỏ qua tác động cảm xúc mà các cuộc điều tra đem đến cho đặc vụ FBI. Ông nhớ lại một sự kiện mình từng trải qua khi điều tra vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma. Một trường tiểu học địa phương quyết định cảm ơn các nhân viên FBI đã tham gia quá trình cứu hộ và điều tra.

Nhân viên FBI đang thu thập chứng cứ tại hiện trường
Nhân viên FBI đang thu thập chứng cứ tại hiện trường

“Bọn trẻ tự làm thiệp cảm ơn. Chúng đặt bàn tay lên các tấm thiệp nhỏ xinh và tô viền theo. Rồi bọn trẻ dán thiệp lên tường khi chúng tôi bước vào. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người khóc đến thế. Cả phụ nữ và đàn ông khóc vì cảm động. Đó là một trong những thứ bạn không thấy trong phim”, Navarro kể.

Williams điều hành một chương trình phát thanh trên mạng. Bà phỏng vấn các đồng nghiệp cũ về thời gian họ làm việc ở FBI. Bà nói rằng, thính giả thường bày tỏ sự ngạc nhiên về cảm xúc của các đặc vụ. “Thính giả thường nói rằng họ ngạc nhiên, phấn khích khi biết các đặc vụ xúc động khi làm việc. Họ thích nghe về suy nghĩ, nhận thức của các đặc vụ khi theo đuổi vụ án. Đó là điều thính giả trước đây không bao giờ nghĩ đến”, bà nói.

Chỉ chuyên một lĩnh vực

Navarro, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và từng phục vụ trong Chương trình phân tích hành vi của FBI, nói rằng, ông nhận thấy một xu hướng lạ trong phim ảnh, từ khi “Sự im lặng của bầy cừu” xuất hiện, rồi sau đó là “Lie to Me” (phim truyền hình về các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể giải quyết các vụ án). Nhiều phim khiến các đặc vụ FBI đơn giản trở thành các chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định.

Navarro nói rằng, phim ảnh có xu hướng đơn giản hóa những việc mà đặc vụ FBI làm và miêu tả một số công việc không tồn tại trong thực tế. Một nhà điều tra giỏi phải có kiến thức tốt về tội phạm học, về lập hồ sơ tội phạm và về ngôn ngữ cơ thể, ông nói.

Luôn là công việc siêu bí mật

Williams nói: “Ban đầu là thời kỳ cướp ngân hàng những năm 1930, với những tên cướp như Nelson “mặt trẻ thơ” và Al Capone. Vì thế, sự liên quan của FBI thu hút sự chú ý của mọi người, trở thành một tổ chức bí mật. Ngoài ra, người ta cũng được cung cấp thông tin về cách quản lý của Edgar Hoover (Giám đốc đầu tiên cảu FBI). Ông muốn thiên hạ cảm nhận FBI là một nhóm chuyên biệt dành cho nam giới, hồi đó FBI chỉ có đàn ông. Những thứ đó khiến cho FBI trở thành thứ gì đó bí hiểm”.

Theo Williams, phim ảnh tập trung miêu tả FBI xử lý những vụ đình đám nhưng lại thiếu hiểu biết chung về công việc các đặc vụ làm thường ngày. “Vì lý do nào đó, người ta nghĩ rằng, FBI là tổ chức bí mật, tất cả đều là bí mật. Tôi ở một bữa tiệc cocktail và ai đó nói: Ồ, ước gì tôi có thể hỏi bạn vài câu về vụ việc bạn xử lý. Tôi sẽ cho họ biết chứ. Nếu họ đã bị xét xử, xuất hiện trước tòa, tôi có thể nói chứ. Họ không nhận ra điều đó. Họ cứ nghĩ chúng tôi như là CIA”, bà nói.

Một cảnh trong phim CSI
Một cảnh trong phim CSI

Một số phim miêu tả đúng

Voss, người từng làm việc cho FBI 24 năm, nói rằng “Sự im lặng của bầy cừu” miêu tả khá khách quan về FBI, nhất là về sự mẫn cán, theo đuổi vụ án đến cùng của nhân viên FBI. Tuy nhiên, Samuel Bethune, giáo sư về tư pháp hình sự tại Đại học Cộng đồng Đông Á Lincoln, dẫn lời bạn của ông là cựu đặc vụ FBI nói rằng, phim hơi phóng đại về việc đấu súng thường xuyên và sự siêu việt của nhân vật trong lập hồ sơ tội phạm và thấu hiểu hành vi tội ác.

Williams cho rằng, một số khía cạnh trong phim truyền hình Quantico và The Americans khá đúng về FBI. “Đó là cách miêu tả văn phòng làm việc, cách mọi thứ xảy ra tại văn phòng FBI, tính thống nhất và đạo đức của các đặc vụ cố gắng lấy thông tin…”, bà nói. 

Đọc thêm