Đại biểu Đinh Thị Mai Lan: “Không nên đưa sữa vào danh mục hàng bình ổn”

Trong một thời gian rất dài, câu chuyện giá sữa đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực. Cơ quan quản lý cũng phải “đau đầu” tìm giải pháp kìm chân “con ngựa bất kham” mang tên “giá” của mặt hàng này. Tuy nhiên, tại chương trình thảo luận về dự thảo luật Giá, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (tỉnh Bắc Cạn) lại cho rằng không nên đưa sữa vào danh mục hàng bình ổn. 

[links()] Trong một thời gian rất dài, câu chuyện giá sữa đã khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực. Cơ quan quản lý cũng phải “đau đầu” tìm giải pháp kìm chân “con ngựa bất kham” mang tên “giá” của mặt hàng này. Tuy nhiên, tại chương trình thảo luận về dự thảo luật Giá, đại biểu Đinh Thị Mai Lan (tỉnh Bắc Cạn) lại cho rằng không nên đưa sữa vào danh mục hàng bình ổn. 
Bên hành lang Quốc hội, PLVN Online có cuộc phỏng vấn nhanh với đại biểu Đinh Thị Mai Lan về vấn đề này.
Đại biểu Đinh Thị Mai Lan phát biểu tại buổi họp
Đại biểu Đinh Thị Mai Lan phát biểu tại buổi họp
Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về lý do khiến bà cho rằng không nên đưa sữa vào danh mục hàng bình ổn của dự thảo luật Giá?
- Không nên cho vào danh mục, bởi mục tiêu của việc đưa vào danh mục này là để khắc  phục những khiếm khuyết của thị trường mà người dân không được tiếp cận đến. Tức là để khắc phục sự không hoàn hảo của thị trường.
Nhưng trên thực tế, theo đánh giá của Hiệp hội người tiêu dùng thì thị trường sữa Việt Nam đã khá hoàn hảo, có các doanh nghiệp canh tranh, có các sản phẩm sữa từ giá thấp đến giá cao. Do vậy nếu đưa vào thì nó sẽ trái với luật canh tranh. 
Trái như thế nào, bà có thể phân tích rõ hơn?
- Tinh thần của Luật canh tranh là khi đã có thị trường hoàn hảo, người ta khuyến khích sự cạnh tranh một cách bình đẳng giữa các nhà phân phối sản phẩm. Khi thị trường có đủ các yếu tổ để người tiêu dùng định dạng thì không thể nào gọi là khiếm khuyết, và như thế nếu đưa sữa vào danh mục thì tôi thấy nó không đúng với luật cạnh tranh.
Trong phát biểu tại cuộc họp, bà còn đưa lý do: Sữa không phải là mặt hàng thiết yếu? 
- Đúng vậy, sữa không phải là mặt hàng thực sự thiết yếu, trừ sữa dành cho trẻ em bệnh lý. Bởi vì theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới cũng như của Chính phủ trong Nghị định 21 năm 2006 thì sữa công thức chỉ là thực phẩm bổ sung cho sữa mẹ.
Sữa mẹ là thức ăn thiết yếu cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đối với trẻ nhỏ, một số trẻ nhỏ sữa công thức chỉ là thức ăn thay thế cho sữa mẹ, trong trường hợp sữa mẹ không thể cung cấp đủ. Đối với trẻ trên dưới 6 tháng tuổi thì sữa chỉ là thực phẩm bổ sung để tăng cường dưỡng chất vào cơ thể bên cạnh các thức ăn khác. Một lý do nữa là Chính phủ không khuyến khích sử dụng sữa công thức.
Điều này thể hiện ở Nghị định 21 năm 2006 của Chính phủ về việc hạn chế quảng cáo sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Bộ quy tắc của Tổ chức Y tế thế giới cũng yêu cầu hạn chế sữa công thức cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. 
Nhưng có một thực tế là thời gian vừa qua, cả cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng đều đau đầu vì giá sữa. 
- Việc giá một số loại sữa tăng cao chủ yếu là do tâm lý người dùng. Chúng ta đã có thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với 230 nhà nhập khẩu.
Người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả từ giá thấp đến giá cao, khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường mặt hàng này hiện nay không có, doanh nghiệp không có quyền áp đặt giá cao một cách tùy tiện trong thị trường cạnh tranh. Vì thế đối với mặt hàng sữa, tôi đề nghị loại bỏ ra khỏi danh mục này. 
Theo bà, vấn đề gì mà cử tri của bà quan tâm nhất?
- Đó là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân. 
Nếu kiến nghị về bổ sung danh mục hàng bình ổn, theo bà đó là mặt hàng nào?
- Tôi thấy rằng sách vở cho trẻ em, đồ dùng học tập. Nói chung trẻ em miền núi rất thiếu đồ dùng học tập. Nhà nước đã hỗ trợ, nhưng chưa đáp ứng được, vậy nên cần đưa mặt hàng này vào danh mục.
Xin cám ơn bà!
Vân Tùng (thực hiện)

Đọc thêm