Báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2016 cho biết trong số hơn 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh tiến hành kiểm tra đã có trên 20% số cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP; có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Báo cáo của đoàn giám sát cho rằng mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.
“Chúng ta đang tự đầu độc chính mình”
Tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng vấn đề thực phẩm không an toàn là vấn đề đã được nói đến từ nhiều năm nay và những số liệu liên quan chỉ là phần nổi của “tảng băng” ngộ độc thực phẩm. Đồng quan điểm, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình bằng chính thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Theo ĐB, nguyên nhân là do Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của mọi bộ, ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số ngành hàng hiện nay vẫn có sự đan xen hoặc không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào.
Cũng theo ĐB Nhân, chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng chỉ nhận lại được sự phản hồi yếu ớt do “cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của họ”.
“Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước và ATTP, nhưng đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ĐB nói và nhấn mạnh phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác.
Cá nhân hóa trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ATTP
Để đảm bảo ATTP thời gian tới, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), bên cạnh việc đầu tư tăng cường lực lượng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP cần bổ sung nội dung về việc quan tâm, tạo điều kiện để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về ATTP.
“Tôi cho rằng, dù cơ quan quản lý có đông nhân lực đến bao nhiêu cũng không đủ đông để có thể phát hiện hết các vấn đề về mất ATTP. Việc bảo đảm ATTP sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người dân vì gắn liền trong từng bữa ăn hàng ngày của họ. Vì quyền lợi của mình, người dân có động lực giám sát, phát hiện những tồn tại của ATTP”, ĐB Cường nhận định.
ĐB Cường và ĐB Mai đề xuất các bộ, ngành, địa phương thiết lập đường dây nóng với số dễ nhớ, tương tự như các số 113, 115 cùng các cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm ATTP. Bên cạnh đó, ĐB Cường cũng đề nghị có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Cũng cho rằng trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí và chung tay của cộng đồng, trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn đủ mạnh chống thực phẩm bẩn. Tại phiên họp, ĐB Nhân kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính vì “lương tri đối với sức khỏe cộng đồng” và vì “sự tồn vong của quốc gia”. ĐB cũng kêu gọi người dân tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái trong ATTP.
Còn ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) thì đề nghị quy định chỉ một cơ quan quản lý của Nhà nước về ATTP, khắc phục quản lý chồng chéo; đặc biệt, cần cá nhân hóa trách nhiệm lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà nước về ATTP để tránh tình trạng đùn đẩy, bao che.