Đại biểu QH muốn phát triển án lệ trong hoạt động xét xử

(PLO) - Nhiều ĐBQH phân tích và nhận định: cần thiết phải có án lệ trong điều kiện hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. 

ĐB Đặng Thị Kim Chi: “Qui định nhiệm kỳ vĩnh viễn sẽ khiến Thẩm phán ỷ lại”
ĐB Đặng Thị Kim Chi: “Qui định nhiệm kỳ vĩnh viễn sẽ khiến Thẩm phán ỷ lại”
Những khiếm khuyết và bất cập của hoạt động TAND và Thẩm phán được TANDTC xác định chủ yếu xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về mô hình tổ chức Tòa án, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp. 
Các TAND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay đang được tổ chức theo địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nên được coi là các Tòa án địa phương; việc phân định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp Toà án còn chồng chéo và không phù hợp… 
Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chiều qua (3/6), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần có các qui định cụ thể để giải quyết các hạn chế đó mới tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp, thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
Án tồn khi Thẩm phán… chờ tái bổ nhiệm
Đó là thực tế đang diễn ra tại không ít Tòa án. Như phản ánh của ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, nhiệm kỳ Thẩm phán ngắn (5 năm như qui định hiện hành), thủ tục tái bổ nhiệm phức tạp không chỉ gây áp lực tâm lý mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực trong công tác xét xử. Ở những Tòa án có lượng án cao, thiếu Thẩm phán thì cảnh “án tồn vì… chờ Thẩm phán, còn Thẩm phán chờ… tái bổ nhiệm” là không hiếm. 
Vì thế, qui định về nhiệm kỳ đối với Thẩm phán là một trong những nội dung được ĐBQH quan tâm trong Dự thảo Luật này. Theo một số ĐBQH, nhiệm kỳ Thẩm phán 5 năm như hiện nay khiến Thẩm phán không yên tâm, ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính độc lập xét xử của Thẩm phán. Không chỉ có vậy, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh - Phó Chánh án TAND TP.HCM nhận thấy qui định nhiệm kỳ chỉ còn là thủ tục khi có Thẩm phán dù có án oan sai thì vẫn được bổ nhiệm sau một thời gian.
Một số ĐBQH không tán thành qui định nhiệm kỳ Thẩm phán vĩnh viễn vì như ý kiến của ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), qui định như vậy “có thể tạo tâm lý ỷ lại cho Thẩm phán, không tự “soi mình” chú ý trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức”. Nhưng nhiều ĐBQH đề nghị có thể qui định kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán đến 10 năm khi được tái bổ nhiệm và “xem xét đổi mới thủ tục tái bổ nhiệm cho phù hợp”.
Phát triển án lệ để bù đắp cho hệ thống pháp luật
Thống nhất giao cho TANDTC nhiệm vụ phát triển án lệ như qui định trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhiều ĐBQH phân tích sự cần thiết phải có án lệ trong điều kiện hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. 
ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, trong thực tế, TANDTC đã làm công việc ban hành án lệ thông qua các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn công tác xét xử để bù đắp cho những thiếu hụt của hệ thống pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sự bình đẳng trước pháp luật của người dân. 
Với việc chính thức hóa qui định về phát triển án lệ trong Dự thảo Luật này, nhiều ĐBQH đánh giá là tích cực để không còn tình trạng  “cùng một tình tiết nhưng mỗi vụ án lại được áp dụng pháp luật theo các cách khác nhau”, dẫn đến việc xét xử oan, sai, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án do khiếu nại. Hay nguy hại hơn, theo ĐB Trịnh Thị Thanh Bình  - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre:  “Còn làm suy giảm niềm tin công lý vào hệ thống cơ quan tư pháp”.
ĐB Đặng Công Lý - Chánh án TAND tỉnh Bình Định cũng cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp luật không chỉ qua việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản mà cần lựa chọn ban hành phát triển án lệ để giải quyết khó khăn, quá tải trong công tác xét xử do qui định pháp luật chưa thống nhất, chưa đầy đủ. Và có án lệ sẽ “giúp người dân nắm được đường lối, dự báo kết quả xét xử đối với vụ án, hạn chế xử sai hay những tranh luận về cách hiểu và áp dụng pháp luật đối với vụ án và khiếu kiện về kết quả xét xử” - Chánh án TAND tỉnh Bình Định nhận định.
Cùng đề cao vai trò của án  lệ trong việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình Tòa án xét xử, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận thấy, phát triển án lệ để từng bước công khai hóa các bản án, trừ các bản án liên quan đến an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục, tăng cường sự giám sát đối với hoạt động xét xử của Tòa án và làm rõ những qui định pháp luật chưa rõ ràng, còn có nhiều cách hiểu khác nhau. 
Đa số ĐBQH đều đề nghị qui định án lệ là quyết định giám đốc thẩm của TANDTC đối với một vụ án cụ thể và được áp dụng trong trường hợp pháp luật chưa có qui định; hoặc đã qui định nhưng chung chung, chưa rõ ràng dẫn đến việc hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau.
Một số ĐBQH vẫn băn khoăn với đề xuất thành lập TAND 4 cấp, nhất là thành  lập TAND sơ thẩm khu vực để “không bị phụ thuộc vào đơn vị hành chính, tăng tính độc lập cho hoạt động xét xử của Thẩm phán”. ĐBQH đề nghị phải giải thích được việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực có làm tăng biên chế, phình bộ máy TAND, có nâng cao chất lượng hoạt động Tòa án, các phán quyết của Tòa án và mối quan hệ giữa TAND sơ thẩm khu vực với các cơ quan giám sát, tố tụng khác ở địa phương… “Nếu không giải thích được thì việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực chỉ là sự sáp nhập cơ hữu một hoặc một vài đơn vị cấp huyện lại với nhau mà thôi”. Do đó, nhiều ĐBQH đề nghị thí điểm, tổng kết mô hình TAND sơ thẩm khu vực rồi mới qui định trong Luật để đảm bảo sự ổn định. 

Đọc thêm