Sao lại mang thai những 300 ngày?
Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và được Tòa án chấp nhận.”
Để hướng dẫn thực hiện quy định này, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình ghi rõ: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của vợ chồng”.
Như vậy, nếu không muốn nhận đứa trẻ được sinh ra sau khi đã ly hôn trong vòng 300 ngày là con, người chồng phải đưa ra được những chứng cứ để chứng minh rằng họ là chồng của mẹ đứa trẻ nhưng không phải là cha đứa trẻ, như: Trong thời gian có thể thụ thai đứa trẻ thì người chồng đi công tác xa, bị ốm đau, bệnh tật nặng mà không thể có khả năng quan hệ vợ chồng v.v… và những chứng cứ này phải được Tòa án chấp nhận.
Lần này, quy định về khoảng thời gian “trong vòng 300 ngày” được đưa thẳng vào Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghi ngại: “Cơ sở khoa học chúng ta vẫn thường nói người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày, mà 9 tháng 10 ngày chỉ 280 ngày và cơ sở thực tế là khi các cặp vợ chồng đã đưa nhau ra Tòa để ly hôn thì có thể trước đó đã ly thân, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thì làm sao sau đó 300 ngày vẫn tính là còn trong thời kỳ hôn nhân?”.
Từ phân tích này, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết “đề nghị không nên bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật, nếu bổ sung thì phải tính toán rất cụ thể”.
Đề nghị “tính toán kỹ” của Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết không phải là không có cơ sở bởi trên thực tế, Tòa án đã phải giải quyết nhiều vụ việc phức tạp từ chính quy định này. Trường hợp chị Lan, anh Minh ở Hà Nội là một ví dụ. Đầu năm 2011, anh Minh gửi đơn ra Tòa xin ly hôn. Do chị Lan cũng đồng ý nên ngày 10/5/2011, Tòa án ra quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn.
Tám tháng sau, chị Lan sinh thêm con gái. Khi làm giấy khai sinh cho con, chị vẫn khai anh Minh là cha của con mình, đồng thời chị làm đơn đề nghị Tòa án buộc chồng cũ phải cấp dưỡng nuôi con. Đề nghị của chị Lan được Tòa án chấp nhận.
Tuy nhiên, lúc này anh Minh lại có đơn đề nghị Tòa xác định đứa bé không phải là con anh. Cuối cùng, anh Minh cũng được Tòa án xác định không phải là cha đứa trẻ, nhưng anh phải “mướt mồ hôi” với rất nhiều thủ tục để chứng minh mình chỉ là “chồng”, chứ không phải là “cha”.
Trường hợp khác, chị Thanh ở Nam Định nhanh chóng kết hôn với người mới sau khi ly hôn chồng chưa đầy một tháng. Chín tháng sau, chị sinh con trai và đề nghị chồng mới đi làm thủ tục khai sinh cho con. Lúc này, chồng cũ của chị bỗng dưng xuất hiện… “đòi con” vì cho rằng anh chị ly hôn chưa được 300 ngày, đó là con chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, còn người chồng mới cũng dở chứng không chấp nhận ghi tên mình vào phần khai bố đẻ vì không biết đứa trẻ là con anh hay con người chồng trước.
Cán bộ tư pháp phường lúng túng vì theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng, nghĩa là cả chồng cũ và chồng mới của chị Thanh đều có lý. Chị Thanh thì kiên quyết khẳng định đứa trẻ là con của chồng mới, nhưng rút cuộc chị vẫn được hướng dẫn phải làm đơn đề nghị Tòa án xác định cha cho con xong mới được quyền ghi tên người nào là cha vào giấy đăng ký khai sinh của cháu bé.