Tuy nhiên, một số quy định pháp luật hiện hành vẫn còn những điểm bất cập, chưa thống nhất, thậm chí còn bị lợi dụng...
Lợi dụng chuyển đổi mục đích nhập cảnh
Văn bản có giá trị cao nhất hiện nay điều chỉnh hoạt động này là Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Pháp lệnh quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh.
Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động, trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu.
Đây là vấn đề phức tạp mà các Bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết và là một trong những lý do cần thiết xây dựng Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra).
Theo đó, dự luật quy định người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc đóng dấu vào thị thực rời với thời hạn 15 ngày, 30 ngày, 12 tháng tùy từng trường hợp.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ chứng nhận tạm trú đã cấp có thể bị hủy bỏ hoặc bị rút ngắn thời hạn trong trường hợp người được cấp vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc tạm trú không phù hợp với mục đích nhập cảnh đã đăng ký.
Tuy nhiên, thảo luận về quy định trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - ông Tô Văn Tám cho rằng, khi người được cấp giấy chứng nhận tạm trú vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc tạm trú không phù hợp với mục đích nhập cảnh đã đăng ký thì phải hủy bỏ chứng nhận tạm trú đã cấp, chứ không đặt vấn đề “có thể”. “Như vậy sẽ quy định là “Chứng nhận tạm trú đã cấp bị hủy bỏ hoặc bị rút ngắn trong trường hợp người được cấp vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc tạm trú không phù hợp với mục đích nhập cảnh đã đăng ký”, ông Tám góp ý.
Đồng ý với quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch để lao động tại nước ta trong thời gian qua gây khó khăn cho công tác quản lý, nhưng ông Ya Duck (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, có một số trường hợp cần được tạo điều kiện để chuyển đổi mục đích thị thực.
Ông Duck dẫn chứng, trên thực tế nhiều người nước ngoài vào Việt Nam nhằm khảo sát tình hình thị trường trước khi bỏ vốn đầu tư. Họ thường sử dụng thị thực du lịch, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, họ muốn ở lại để đầu tư. Có thể sẽ tạo điều kiện cho doanh nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và quy định mở về vấn đề này như sau: “Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần, thị thực không được chuyển đổi mục đích trừ trường hợp do Chính phủ quy định thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời”.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Phú Yên Nguyễn Thái Học cho rằng, quy định người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư nhằm chứng minh mục đích nhập cảnh, từ đó đề nghị cấp thị thực là chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Học lý giải, hiện nay chúng ta đang mong muốn, đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và tạo những điều kiện hết sức thuận lợi. Còn để có một giấy chứng nhận đầu tư thì phải có cả một quá trình, nhà đầu tư phải vào thăm dò, thực hiện các thủ tục, nhiều dự án phải mất thời gian 2-3 năm mới có giấy chứng nhận đầu tư. Nếu ngay từ đầu chúng ta yêu cầu người nước ngoài đầu tư phải có giấy chứng nhận đầu tư là chưa thực sự tạo điều kiện cho người nước ngoài để xin thị thực vào Việt Nam.
Định rõ trường hợp chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh
Dự thảo Luật liệt kê 9 trường hợp chưa cho nhập cảnh, gồm không đủ điều kiện nhập cảnh; trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 3 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 6 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; vì lý do phòng, chống dịch bệnh; vì lý do thiên tai, thảm họa; vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, một số ý kiến e ngại với trường hợp người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng chưa cho nhập cảnh song thẩm quyền chưa cho nhập cảnh là do người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị biên phòng cửa khẩu. Bởi vì người đứng đầu cơ quan công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị Biên phòng cửa khẩu không có điều kiện, phương tiện để xác định người bị mắc bệnh tâm thần và bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng để quyết định chưa cho nhập cảnh nên cần nghiên cứu để xác định lại thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của TAND, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Vì lý do quốc phòng, an ninh. Đối với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, ông Ya Duck rất đồng tình và đánh giá đây là một bổ sung đầy đủ và phù hợp.
Chú trọng hơn quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài
Về quyền, nghĩa vụ người nước ngoài, Dự thảo Luật quy định người nước ngoài có 9 quyền, 4 nghĩa vụ khi nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Một trong những nghĩa vụ đáng chú ý là nghĩa vụ tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.
Nhiều ý kiến tán thành nghĩa vụ đó là cần thiết. Nhưng họ băn khoăn ở điểm, trong các quyền của người nước ngoài thì người nước ngoài có được quyền giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của nước họ không, nhất là những người nước ngoài được thường trú tại Việt Nam?
“Tôi cho rằng đối với những người nước ngoài quá cảnh đây không phải là vấn đề nhưng đối với những người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nhất là những người thường trú thì đó lại là vấn đề. Bởi vậy, tôi đề nghị xem xét bổ sung quyền được giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, phong tục tập quán của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm quyền được bảo hộ danh dự, bởi đây cũng là một quyền thuộc về quyền con người, cùng với việc bảo hộ tính mạng, tài sản”, một vị đại biểu Quốc hội phân tích.
Ông Phạm Văn Tấn (đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) thì cho rằng, các quyền được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chỉ dành cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, không có quy định đối với người quá cảnh. Theo ông Tấn, người nước ngoài có thể quá cảnh trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có thể quá cảnh trong một thời gian dài do những trường hợp bất trắc ngoài ý muốn và đối với trường hợp nào, họ cũng phải được đảm bảo các quyền tương tự những người nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú. Như vậy, “vừa đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, dễ quản lý của các tổ chức và cơ quan, vừa thuận tiện và đủ quyền cho người nước ngoài”, ông Tấn nhận định.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Minh lại quan tâm đến người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có quốc tịch người nước ngoài và người không có quốc tịch. Vấn đề đặt ra đối với người có hai quốc tịch, nghĩa là vừa có quốc tịch nước ngoài, vừa có quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định Luật Quốc tịch và trên thực tế người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch ở nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam không phải là ít. Do đó, ông Minh đề nghị bổ sung thêm đối tượng này vào Luật.