Đại biểu quốc hội bàn chuyện xây trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, khi chưa hoàn thiện bộ nhận diện quốc gia về văn hóa thì chúng ta chưa nên đầu tư nhiều cho các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai

Sáng 19/6, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao về Chương trình này nhằm phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện Chương trình.

Đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) nhận thấy, đối tượng thụ hưởng của Chương trình bao gồm cả đối tượng là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Về địa điểm, phạm vi, Chương trình được triển khai trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có quan hệ gắn bó lâu dài, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập…

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong một giai đoạn cụ thể trên phạm vi cả nước. Hiện nay, đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài, pháp luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đề xuất và đưa vào Chương trình này các nội dung liên quan đến đầu tư tại nước ngoài.

Bàn thêm về việc đầu tư một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc đầu tư các trung tâm văn hóa mà chưa làm rõ bản sắc quốc gia sẽ giảm hiệu quả đầu tư. Khi giới thiệu sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới thì phải vừa đậm đà bản sắc văn hóa vừa có chất lượng cao, mới để lại hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè. Vì thế, theo ĐB, chúng ta chưa nên đầu tư nhiều cho các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

ĐB Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, dự thảo Chương trình xác định 7 nhóm đối tượng thụ hưởng nhưng chưa rõ sẽ dẫn đến việc rất khó trong triển khai thực hiện. Quy định về đối tượng thụ hưởng của Chương trình còn có sự mâu thuẫn với nhau. Từ đó, ĐB đề nghị cần quan tâm, rà soát, bảo đảm tránh trùng lặp về đối tượng thụ hưởng của Chương trình và cũng cần phải rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ các nguồn lực đầu tư.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình được quy định tuân thủ Hiến pháp. Điều 40, 41 Hiến pháp khẳng định mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Chương trình bao gồm đối tượng thụ hưởng trong phạm vi cả nước, còn với kiều bào Bác Hồ đã nói, kiều bào ta ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không thể tách rời. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị cũng đã nói kỹ về điều này.

Theo Bộ trưởng, việc đầu tư các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là nhằm xây dựng ngôi nhà chung cho kiều bào ta, nơi thể hiện bản sắc văn hóa Việt. Việc đầu tư các trung tâm cũng chỉ tại một số quốc gia có đông người Việt sinh sống, không phát sinh nhiều biên chế…

ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) lại quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa, đặc biệt là các nghệ sỹ có ảnh hưởng, người nổi tiếng. Theo ĐB, cần có sự quản lý, khung khổ pháp lý, không buông lỏng để gây ra những sự bức xúc không đáng có như thời gian qua.

Đọc thêm