Giám sát phải có các biện pháp cụ thể
Một trong những vấn đề nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản (như nghị quyết, kết luận, báo cáo...), trong đó phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể.
Đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về vấn đề nói trên để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, bảo đảm đối tượng chịu sự giám sát nghiêm túc và có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.
Về quy định các hoạt động giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng Dự thảo còn nhiều “lỗ hổng”, làm hạn chế quyền giám sát của ĐBQH. “Tại sao chỉ được giám sát quy định văn bản pháp luật và thực thi pháp luật ở địa phương? ĐB ứng cử ở địa phương chủ yếu giám sát ở địa phương nhưng vẫn có quyền giám sát các bộ, ngành. ĐBQH là ĐB của toàn quốc và thực tế đang giám sát việc này. Quy định như vậy, ĐBQH chuyên trách ở Trung ương thì cũng chỉ giám sát văn bản ở địa phương? Nếu chỉ giám sát ở địa phương thì làm sao chất vấn các vị lãnh đạo Trung ương”, ĐB Hùng đặt câu hỏi.
ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhấn mạnh giám sát văn bản là hoạt động giám sát rất quan trọng, nhưng Dự thảo chưa quy định rõ ràng, cụ thể ĐB được quyền giám sát văn bản nào. Do đó, cần quy định rõ những văn bản thuộc quyền giám sát của các ĐBQH.
Nhiều kiến nghị chưa sát
Đánh giá cao Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mang tính nguyên tắc, cụ thể hóa thẩm quyền của QH, song ĐB Lê Văn Tấn (Hà Nam) băn khoăn về chất lượng các cuộc giám sát. ĐB chỉ ra thực tế các vấn đề QH, HĐND giám sát là những vấn đề lớn, bức xúc trong xã hội nhưng hiệu lực, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Bên cạnh những chuyển biến sau giám sát thực hiện tương đối tốt như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tai nạn giao thông các đơn vị đã đẩy nhanh, chú trọng thực hiện… nhưng cũng có những vấn đề không có chuyển biến, thậm chí tồi tệ hơn như ô nhiễm môi trường làng nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cơ quan dân cử.
Nguyên nhân là do lĩnh vực giám sát có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, kiến nghị giám sát chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng; chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu không thực hiện kết quả giám sát thì sẽ xử lý như thế nào. Từ những phân tích này, ĐB Tấn đề nghị “cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nghị quyết giám sát của QH, HĐND”.
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) tán thành: Thời gian qua việc thực hiện kết luận giám sát chưa cao. Vì thế, tránh tình trạng “kết luận giám sát rồi lại để đấy”, ĐB đề nghị quy định cụ thể thời hạn thực hiện kết luận giám sát, nếu không thực hiện phải có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, cần làm rõ vấn đề cơ quan nào chịu trách nhiệm chất lượng giám sát.
Lý do là hoạt động giám sát còn nhiều vấn đề nên nhiều khi chủ thể giám sát không chịu trách nhiệm về chất lượng giám sát của mình. Cho nên bên cạnh việc phải quy định rõ tính pháp lý hoạt động giám sát thì ĐB Chi cũng đề nghị quy định rõ đơn vị chịu giám sát có trách nhiệm thi hành, còn nếu như không làm được phải báo cáo làm rõ.
Dự kiến năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp
Trình bày Tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Năm 2016 là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là năm cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; là năm tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp mới, với bộ máy của nhiều cơ quan nhà nước có sự điều chỉnh, nhiệm vụ được chuyển giao giữa hai giai đoạn, một số chính sách được định hướng mới.
Bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự; do vậy, việc dự kiến Chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của QH, các cơ quan của QH cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của chương trình.
Bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, các cơ quan phải dành thời gian cho công tác tổ chức, nhân sự; do vậy, việc dự kiến Chương trình hoạt động giám sát năm 2016 của QH, các cơ quan của QH cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của chương trình.
Trong bối cảnh nêu trên, năm 2016 QH sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Trong đó, Kỳ họp thứ 11, QH khoá XIII diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3/2016, tập trung vào việc tổng kết công tác cả nhiệm kỳ; thực hiện giám sát công tác bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021; dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.