Chính sách đúng nhưng triển khai chậm

(PLO) - Hôm qua (8/6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu mong muốn chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ được thực thi trong cuộc sống…
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) phát biểu tại Hội trường
Đồng tình, nhưng còn nhiều trăn trở
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Trung Thu (Long An) đề nghị báo cáo cần cụ thể hơn. Vấn đề xã hội hóa, ĐB Thu cho biết: “Qua tiếp xúc cử tri  kêu rất nhiều về học phí, viện phí, lộ phí, đóng góp xây dựng nông thôn mới... thu thuế của chúng ta thì thấp nhưng các khoản thu phí, các khoản huy động đóng góp sẽ đè nặng người dân, nhất là những vùng khó khăn, xa xôi. Tôi thấy có sự nóng vội, lạm dụng, chệch hướng trong thực hiện chủ trương xã hội hóa…”. 
Theo ĐB Thu, xã hội hóa là một chủ trương đúng, nhưng phải có lộ trình thực hiện như thế nào cho phù hợp với sức dân chứ không phải bằng mọi giá...Vì vậy, Chính phủ nên tổng kết, đánh giá để có chỉ đạo thực hiện phù hợp với lòng dân.
Còn ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) tự tin, lần này ĐB nhận được nhiều ý kiến cử tri phản ánh cảm giác tương đối yên tâm, vững tin phần nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, ĐB Hạnh cũng cho rằng báo cáo mới tập trung phân tích nhiều về ngành, ít chú trọng phân tích về vùng. 
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng cho rằng, trong 7 nhóm khó khăn, hạn chế về kinh tế - xã hội chủ yếu được nêu trong báo cáo, ĐB thấy cô đọng quá, chỉ phản ánh tình hình, chưa phân tích đánh giá nguyên nhân. 
“Ở đây chủ quan là chính, hay tại khách quan? Cũng như nhiều kỳ trước, giải pháp nêu trong báo cáo tiếp tục mang nặng tầm vĩ mô, ý chí quyết tâm như chủ động, tăng cường, tiếp tục tập trung đẩy mạnh, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính đột phá để khắc phục, từng bước giải quyết những khó khăn, hạn chế đó…?” - ông nhận xét.
Về nông nghiệp, nhiều ĐB đã tập trung phân tích những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ cần đẩy nhanh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung giải quyết các vướng mắc hiện nay, đó là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất, xác định rõ những lợi thế, thế mạnh các sản phẩm của từng vùng, địa phương, của quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách có hiệu quả và bền vững, đồng thời có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các DN đầu tư trên lĩnh vực bảo quản và chế biến sâu nông sản, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ cao, thời gian bảo quản ngắn nhằm đa dạng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao, kéo dài thời gian tiêu thụ, tránh tình trạng bị ép giá. 
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách hợp lý và lâu dài để tiêu thụ nông sản, phát triển hệ thống thu mua, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, nhưng người tiêu dùng lại mua với giá cao như hiện nay…
ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) đề nghị Chính phủ cần cho phép thành lập tổ công tác liên bộ để phối hợp trực tiếp giải quyết các vấn đề khó khăn, đặc biệt là đề xuất cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; cần quan tâm tới các địa phương đã có đề án tốt đang tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng để nhân rộng mô hình…
Ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) thẳng thắn cho rằng, môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của DN nội địa tiếp tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. 
Quý I năm 2015 đóng cửa nhiều hơn quý I năm 2014. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực FDI trong GDP không ngừng tăng nhanh, đặc biệt trong cơ cấu xuất nhập khẩu, năm 2014 khu vực FDI chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu và hơn 65% kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế…
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng thu hút FDI là cần thiết, tuy nhiên cần tính toán lại bởi đã xuất hiện ưu đãi ngày càng nhiều cho khu vực DN này, vô hình trung làm cho khu vực tư nhân khó tiếp cận, tạo sự không công bằng. Còn ĐB Trương Văn Vở lo ngại rằng, tác động của khu vực FDI về đổi mới công nghệ vẫn chưa rõ nét, chưa kể sản phẩm sản xuất trong nước của DN khu vực này vẫn nặng về gia công…
Chủ trương và thực hiện: Khoảng cách xa
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tỏ ra băn khoăn bởi có những chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ rất đúng,  được người dân ủng hộ nhưng khi triển khai thực hiện thì rất chậm, kết quả không cao khiến người dân thiếu tin tưởng.  
ĐB đưa ra 5 dẫn chứng, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ, đây là một chủ trương rất đúng, cử tri rất hy vọng, các Bộ cũng rất tâm huyết nhưng đến nay giải ngân vẫn rất chậm. 
Hay như nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nghèo ở vùng tái định cư các dự án thủy điện, tuy nhiên đến nay đã hơn hai năm  nhưng đồng bào nghèo ở các vùng tái định cư các dự án thủy điện vẫn đang trông chờ chính sách này. Đặc biệt, chủ trương cải cách hành chính, Chính phủ triển khai thực hiện bằng nhiều chương trình, với quyết tâm cao, nhưng đã qua 15 năm thực hiện, cho đến nay nghiêm túc nhìn nhận đánh giá lại, nhiều mục tiêu, nhiều chỉ tiêu chúng ta không đạt được. 
Hay chủ trương chống tham nhũng, trong khi Đảng ta nhìn nhận, đánh giá tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta chưa ngăn chặn, đẩy lùi được thực trạng này, nhưng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội này ngày một giảm (báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ). 
“Chúng ta thường nghe nói, Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của dân, vậy Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Báo cáo với Quốc hội, cử tri cho rằng Quốc hội, Chính phủ của chúng ta thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết rất trúng nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đối với làm. Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm, đề nghị Chính phủ “làm như nói” thì dân mới tin…”- ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh : 
Không nên phê phán quá mức doanh nghiệp FDI
“Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Chúng ta không nên phê phán quá mức doanh nghiệp (DN) FDI, chúng ta đang cần và không nước nào không mong muốn có FDI, kể cả Mỹ, Nga. Ở đây có vấn đề là tỷ trọng giữa DN FDI và DN trong nước, làm sao để các DN trong nước phát triển là điều chúng ta mong muốn. 
Nhưng nếu chúng ta không cho hoặc hạn chế DN FDI đến mức tối đa thì nền kinh tế của chúng ta gặp nhiều khó khăn. Chỉ một dự án mà Samsung đầu tư, đến giờ họ đã giải ngân 11,3 tỷ USD, năm nay khoảng 3 tỷ USD nữa và thu hút hàng trăm nghìn lao động. Một dự án ở Thái Nguyên thu hút 40 ngàn lao động, dù chưa chuyển giao công nghệ được nhưng tạo “cú huých”… 
Đồng tình với nhiều ĐB rằng chúng ta phải quan tâm phát triển các DN trong nước, ngay các DN FDI cũng trăn trở mong muốn vậy bởi các DN phụ trợ của chúng ta là các DN vừa và nhỏ. Nếu các DN này không phát triển mạnh thì họ cũng cảm thấy đầu tư của họ vào không hiệu quả. Họ cũng muốn nhập các nguyên liệu đầu vào từ nước sở tại để giảm bớt việc nhập từ nước họ, từ đó giảm giá thành sản phẩm chứ ai muốn đặt nhà máy ở Việt Nam mà nhập toàn bộ thiết bị, vật liệu từ Hàn Quốc sang. 
Nhưng vì nhiều lý do, DN trong nước chưa làm được việc này, nhưng chúng ta phải làm. Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ, Chính phủ  đã trình Quốc hội soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chúng tôi rất mừng vì Quốc hội nhận ra điều này và bổ sung ngay vào chương trình làm Luật của khóa này. Chúng ta cần một hệ thống bằng luật chứ không phải văn bản dưới luật để hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Đọc thêm