Đại biểu Quốc hội rơi nước mắt chứng kiến công nhân chống dịch ‘3 tại chỗ’

(PLVN) -  Đại biểu Quốc hội phản ánh, hiện nay công nhân rất khổ, nhiều nhà máy thực hiện 3 tại chỗ, nếu chứng kiến thì rơi nước mắt, vì công nhân vẫn phải làm việc nhưng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cả ngàn người chung nhà vệ sinh, khu tắm giặt…

Chiều 22/7, Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Khắc phục những cú sốc mang tính thời điểm

Tại tổ TP HCM, Đại biểu Trần Anh Tuấn ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 có nhiều thách thức.

Ông chỉ rõ, nhìn lại 6 tháng đầu năm thì cầu nội địa không còn tăng như giai đoạn trước, 4 tháng đầu còn tốt, nhưng tháng 5,6 gặp “cú sốc” mang tính thời điểm, lúc này khâu phân phối bộc lộ vấn đề. Cung thừa ở nông thôn mà đô thị thiếu.

Chúng ta lại chưa có giải pháp đồng bộ tạo ra hệ sinh thái sản xuất –vận chuyển – dự trữ - phân phối, dẫn đến đời sống người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần có kênh phân phối hợp lý; chú trọng hệ thống logistics và các dịch vụ thanh toán để bắt kịp sự thay đổi này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường thì lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh cần bảo đảm nguồn lực tài chính lâu dài, khi ngân sách Nhà nước còn khó khăn, huy động từ nhân dân, doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí.

Tuy nhiên, nhiều công trình đang bỏ hoang. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài cả chục năm, đội vốn nghìn tỷ, đến nay chưa sử dụng được, rất lãng phí. Con đường mới sửa sang 2 năm, còn khang trang mà đến nay dỡ bỏ, cải tạo để mở rộng…

Bên cạnh tham nhũng thì lãng phí cũng rất nguy hại, còn nghiêm trọng hơn. Nhiều kẻ sẵn sàng lãng phí lớn tài sản nhà nước chỉ để tham nhũng được một phần trong đó. Chúng ta mới quan tâm đến tham nhũng, mà coi lãng phí như một phần khuyết điểm, nên đấu tranh chưa thực sự quyết liệt. Với tham nhũng có thể khó phát hiện, nhưng lãng phí dễ phát hiện hơn nhiều. Nếu quan tâm phòng chống lãng phí, theo ông Cường, sẽ tiết kiệm được nguồn lực lớn.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị cần đặc biệt quan tâm thể chế, những năm qua, Chính phủ đã rà soát hệ thống văn bản pháp luật. Vấn đề lớn nhất hiện nay là kết nối kết quả rà soát với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo nhanh chóng, chuẩn xác. Cần đặt trong mối liên hệ giữa báo cáo rà soát với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì mới có thể xử lý được.

Qua thông tin, việc rà soát đã chỉ ra nguyên nhân tương đối tốt, dữ liệu có. Tuy nhiên, chúng ta cần kết nối kết quả để đưa ra sửa quy định ở đâu, tại thông tư, nghị định hay luật nào; không nên tiếp diễn tình trạng chỉ ra được vấn đề nhiều năm nhưng xử lý lại chậm.

Chủ động hơn nữa trong tạo nguồn vaccine

Công tác phòng chống dịch bệnh là một nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường tán thành những giải pháp mạnh mẽ phòng chống dịch mà Chính phủ đã triển khai. Tuy nhiên dịch bệnh còn kéo dài chưa biết khi nào chấm dứt, giải pháp ứng phó hình như còn ngắn hạn, đối phó. Theo ông, nên nghĩ đến kịch bản lâu dài, bởi COVID-19 sẽ ko bao giờ biến mất, phải tiến đến trạng thái bình thường mới.

Theo ông, rất cần có các đề án cụ thể, để đảm bảo hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước. Như đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thì hoạt động tập thể quyết định thế nào, giám sát ra sao, tiếp xúc cử tri thế nào ?

Từ đó, ông Cường đề nghị Quốc hội về lâu dài, để đảm bảo tính chủ động, hiệu quả, cần có kịch bản cụ thể cho các hoạt động như hội họp, giám sát, tiếp xúc cử tri… Tương tự, cần có kịch bản cụ thể để hoạt động hiệu quả trong dịch bệnh, để phù hợp quy định pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, tội phạm, lợi dụng đại dịch để trục lợi, đấu thầu vật tư… và các loại tội phạm khác như ma túy, lừa đảo, cướp giật.

Đại biểu Quốc hội Trần Vân Khải.

Đại biểu Quốc hội Trần Vân Khải.

Đại biểu Trần Vân Khải (Đoàn Hà Nam) nhận định, chúng ta đang hoàn toàn bị động trong thực hiện “3 tại chỗ” như yêu cầu của Chính phủ. Cả nước có khoảng 34 nghìn khu công nghiệp, khu chế xuất, khoảng 2 triệu công nhân lao động tại các nhà máy. Nhưng chỉ 10% nhà ở đáp ứng được yêu cầu tại chỗ, 90% sống ngoài xã hội.

Trong khi chúng ta vẫn nói làm tổ để đón “đại bàng”, thu hút đầu tư, song hạ tầng chưa được quan tâm. Nhiều năm nay chưa xây dựng được chiến lược nhà ở cho người nghèo, cho công nhân có thu nhập. Sắp tới, cần coi đây là giải pháp đột phá trong xây dựng chiến lược hạ tầng.

Đặc biệt, Đại biểu Khải đề nghị nên có cơ chế thu hút nguồn lực cho hạ tầng, để vừa sản xuất, vừa chống dịch , thực hiện “3 tại chỗ”… Ông phản ánh, hiện nay công nhân rất khổ, nhiều nhà máy thực hiện “3 tại chỗ”, nếu chứng kiến thì rơi nước mắt, vì công nhân vẫn phải làm việc nhưng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cả ngàn người chung nhà vệ sinh, khu tắm giặt…

Đại biểu Trần Ngọc Minh (Đoàn Quảng Bình) thì chia sẻ về việc triển khai các gói hỗ trợ trong bối cảnh có những tỉnh khó khăn không hỗ trợ được cho các đối tượng nên gây tâm tư so sánh. Cùng đối tượng nhưng ở tỉnh này thì được hỗ trợ, người ở tỉnh khác thì không. Dịch bệnh khiến nguồn thu nhiều tỉnh khó khăn, nhất là những tỉnh đã vốn khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ vào cuộc quyết liệt, kịp thời, trong chỉ đạo, giám sát, đồng thời quan tâm hỗ trợ nhiều hơn với tỉnh khó khăn.

Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) thẳng thắn, ta đã chậm một nhịp trong tạo nguồn vaccine, mới được 4 triệu , tỷ lệ tiêm thấp. Vì vậy, cần huy động các nguồn lực, chủ động hơn nữa trong tạo nguồn vaccine. Trước đây đưa ra thông điệp 5K và quyết tâm trong phòng chống dịch. Nhưng quyết tâm là một phần nhưng phải đi cùng với khoa học công nghệ mới hiệu quả.

Đồng thời, quan tâm xây dựng pháp luật để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng chống dịch bệnh. Trong đó, pháp luật cần có sự đánh giá tác động của đại dịch tới đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh dịch. Khi dịch xảy ra, những điều này dường như bị xem nhẹ.

Ông nêu rõ, một số luật như Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, cần sửa ngay, nhiều điều không còn áp dụng được… Những quy định về công bố dịch, chi phí khám chữa bệnh, nhiều điều không phù hợp với thực tế nên nhiều địa phương tùy tiện áp dụng các quy định phòng chống dịch, mỗi nơi một khác mà câu chuyện “bánh mỳ không phải là lương thực” là một ví dụ.

Đọc thêm