Đại diện cho người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự

(PLVN) - Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó khi tham gia tố tụng hình sự phải có người đại diện hoặc người giám hộ. Tư vấn của Luật gia Bùi Đức Độ (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) làm rõ thông tin về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTB&XH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ ngày 05/02/2019), “người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các Điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự”. 

Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; người giám hộ; người do Tòa án chỉ định.

Thứ nhất, đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 BLDS như sau: (1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên (còn gọi là người dưới 18 tuổi); (2) Người giám hộ đối với người được giám hộ (Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định); (3) Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; (4) Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể là: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ (bao gồm: cá nhân chưa thành niên không còn cha mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con, cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ).

Thứ hai, người giám hộ của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người giám hộ đương nhiên hoặc người được UBND cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định. Trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ, hoặc cha mẹ trong tình trạng như đã dẫn ở trên thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự sau: (i) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; (ii) Trường hợp không có người giám hộ quy định tại (i) thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; (iii) Trường hợp không có người giám hộ quy định tại (i) và (ii) thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Thứ ba, Tòa án chỉ định người giám hộ được thực hiện khi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên mà UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ không cử được người giám hộ do có tranh chấp giữa những người giám hộ về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ. Việc cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này. 

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ (Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đọc thêm