Liên quan vụ án, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM); Trần Nam Trang (Phó Giám đốc Sở Tài chính); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM) bị bắt giam về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Nhà chức trách xác định các bị can vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ (thuộc Sở Văn hóa TP HCM) với Công ty Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP HCM và các cơ quan liên quan. Việc này gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
“Bà trùm” kinh doanh bất động sản
Trước khi bị bắt, ở tuổi thất tuần, nữ doanh nhân Bạch Diệp vài năm trở lại đây liên tục vướng hàng loạt tin đồn vỡ nợ, phá sản, trốn thuế...
Năm 1971, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Qua thời gian thử việc, bà được phân công làm cán bộ lao động tiền lương.
Bà Diệp từng chia sẻ, thời điểm đó không nghĩ sẽ nhảy vào thương trường mua bán, kinh doanh. Năm 1975, bà sắp xếp gia đình chuyển vào Nam sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó bà mới chuyển công tác về Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, đóng tại TP HCM.
Trong chặng đường kinh doanh, bà Diệp từng không ít lần vướng lao lý, bị tạm giam. Lần bà bị bắt đầu tiên vào năm 1982 (thời còn làm công chức) và một lần khác vào năm 1994. Nhưng hai lần trước đó, Cơ quan điều tra không tìm được bằng chứng phạm tội, bà được trả tự do. Sau những biến cố, bà Diệp xin nghỉ chế độ chính sách.
Vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa khá thuận lợi vì rất ít người nghĩ đến việc kinh doanh bất động sản. Nữ đại gia Bình Định đã phất lên từ thị trường không có đối thủ cạnh tranh này.
Bà Diệp khởi nghiệp từ việc cải tạo những căn chung cư cũ ở khu trung tâm TP HCM và bán lại. Một trong những tài sản đầu tiên của bà là căn hộ chung cư 72 Ký Con, nằm trên lầu 2, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình), quận 1, TP HCM.
Bà cũng được cho là lãi lớn nhờ bán các căn nhà phố mặt tiền nội đô Sài Gòn, với diện tích lớn, được xây mới chỉn chu, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cần trụ sở làm văn phòng nên sớm tích lũy được tài sản lớn.
Bắt đầu buôn bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một nữ đại gia tên tuổi trong lĩnh vực này. Tại TP HCM, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn năm sao.
Phất lên nhờ bất động sản, nhưng sự kiện khiến tên tuổi bà Diệp nổi bật trong giới đại gia và khiến dư luận xôn xao, là việc mua chiếc xe Rolls-Royce biển số tứ quý 7, đắt tiền và sang nhất Việt Nam ở thời điểm cuối tháng 1/2008. Chiếc siêu xe Rolls Royce được đặt hàng chính hãng khi đó chịu thuế nhập khẩu là 80% và giá sau thuế ước tính vào khoảng 1,3 triệu USD.
|
Bà Diệp ra sân bay đón chiếc Rolls Royce năm 2008. |
Bà Diệp từng chia sẻ, để có được vị thế đó, bà đã phải trải qua nhiều thăng trầm, từ chuyện “nhịn đói, nhịn khát”, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm, cho đến chuyện “phải vào tù oan”, rồi “đối thủ thuê người dùng súng bắn tại cơ quan, nhưng may mắn thoát chết”.
Nhiều thập kỷ qua, bà Dương Thị Bạch Diệp nắm trong tay hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu, trở thành một đế chế bất động sản hùng mạnh tại Sài thành. Có thời điểm, giới kinh doanh bất động sản nhận định bà Diệp là người sở hữu số lượng bất động sản ở TP HCM có giá trị nhất.
Tiếng tăm mai một
Thế nhưng, giai đoạn 2010 - 2019, tiếng tăm của Công ty Diệp Bạch Dương dần mai một, nhất là sau hàng loạt thông tin phá sản, trốn nợ, trốn thuế dồn dập được tung ra. Đỉnh điểm là việc Kiểm toán Nhà nước công bố đến hết 2012, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương nợ Agribank TP HCM số tiền lên tới 3.700 tỷ đồng. Những diễn biến này khiến bà Diệp thường xuyên phải đích thân đứng ra cải chính và khiếu nại.
Bà Diệp là người đại diện pháp luật của bốn công ty bao gồm Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Công ty TNHH Nam Nam Phương, Công ty TNHH Bất động sản Châu Sơn, Công ty TNHH Bất động sản Nam Đông Dương. Trong số này, công ty Châu Sơn và Nam Đông Dương đã ngừng hoạt động, còn lại hai công ty là Diệp Bạch Dương và Nam Nam Phương.
Công ty Nam Nam Phương được thành lập ngày 20/4/2004, trụ sở chính tại số 28 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Trước ngày 25/10/2016, công ty do ông Nguyễn Sơn Dũng sinh năm 1968 làm người đại diện theo pháp luật và chủ doanh nghiệp.
Từ ngày 25/10/2016 trở đi, theo giấy thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp do Phòng Đăng ký kinh doanh TP HCM cấp, bà Diệp trở thành chủ doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của Nam Nam Phương.
Ông Dũng còn là người đại diện theo pháp luật của ba doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Một thành viên Nhà hàng Vườn Bạch Dương, Văn phòng đại diện Công ty TNHH Gold Senla và Công ty TNHH Bất động sản Thương mại Dịch vụ Khải Hoàng Dương. Trong đó chỉ còn Công ty Khải Hoàng Dương là đang hoạt động.
Còn Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương được thành lập vào tháng 4/2002, đặt trụ sở chính tại đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3. Đây cũng là địa chỉ khu đất có diện tích hơn 3.000m2 mà bà Diệp dự định triển khai dự án khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị - tiệc cưới cao cấp.
Trong lần công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 12/2015, bà Diệp vẫn là người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh Giám đốc. Công ty có vốn điều lệ hơn 905 tỷ đồng, trong đó bà Diệp nắm 57,54% giá trị vốn góp, tương đương 521 tỷ đồng.
Phần còn lại do bà Nguyễn Thị Châu Hà (con gái bà Diệp) đang định cư tại Australia sở hữu. Công ty đăng ký 14 ngành nghề hoạt động gồm kinh doanh bất động sản, nhà hàng - khách sạn, xây dựng công trình dân dụng, tư vấn đầu tư, đào tạo nghề...
“Đại gia” bị “bêu tên” nợ thuế
Trả lời báo chí năm 2014, bà Diệp cho biết tổng tài sản trên giấy tờ của bà ước khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Còn doanh thu chính là tiền từ cho thuê nhà và một phần tiền của cá nhân, con gái bà cho công ty mượn vốn để hoạt động.
|
Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique tại số 111 Hai Bà Trưng, quận 1 chuyển giao cho Công ty Hồng Phúc Quang cuối năm 2017. |
Theo bà Diệp, sáu dự án lớn tại TP HCM mà bà “vẫn nắm giữ” gồm bốn dự án ở trung tâm quận 1, hai dự án ở trung tâm quận 3. Trong đó, khu đất trên đường Lê Văn Hưu, quận 1, rộng 1.100m2 được bà sử dụng làm trụ sở công ty, nơi ở và có một thời gian dùng làm nhà hàng.
Tuy nhiên, Công ty Diệp Bạch Dương mới đây đã bị Cục Thuế TP HCM “bêu tên” là một trong những doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất. Tính đến cuối tháng 10/2018, Công ty còn nợ hơn 35,5 tỷ đồng tiền thuế.
Bên cạnh những tin tức bất lợi về nợ thuế, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, sau khi tiến hành kiểm toán tại Agribank vào năm 2012, Công ty Diệp Bạch Dương nợ Agribank Chi nhánh TP HCM số tiền lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 2.967,7 tỷ đồng, lãi phát sinh là 732,3 tỷ đồng.
Trước sức ép này, bà Diệp phải bán bớt tài sản để trả nợ. Năm 2016 bà rao bán dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique tại số 111 Hai Bà Trưng, quận 1, trên khu đất 789m2 với giá khoảng 900 tỷ đồng. Cuối năm 2017, chủ đầu tư mới của dự án được công bố là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang.
Khu đất tại số 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) là nơi triển khai dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp cũng đã được Công ty Diệp Bạch Dương nhượng lại cho Công ty TNHH Phan Thành.
Dự án gồm hai tầng hầm, hai tầng lửng và 25 tầng lầu, tổng vốn đầu tư ước tính 2.600 tỷ đồng. Giữa tháng 10/2014, Công ty Phan Thành khởi công xây dựng trung tâm mua sắm SaiGon Square 3 trên diện tích đất này.
Trong tâm bão thông tin nợ nần năm 2014, bà Dương Thị Bạch Diệp thổ lộ ý định chuyển sang Australia định cư với gia đình con gái. Nhưng trước đó, bà cho biết sẽ tiến hành đấu giá chiếc Rolls Royce biển số tứ quý 7 gắn liền với tên tuổi mình, vốn lâu nay ít được sử dụng.