"Đại gia" Hà Nội “nướng” tiền học thôi miên

Gần 7 triệu đồng cho 1 buổi học, sau 3 ngày nhập môn, học viên “nướng” hơn 20 triệu. Nhưng muốn thành "siêu nhân", chắc hẳn phải tịnh tâm trước tiền bạc. Vì khóa học thứ hai, chi phí còn tăng lên đến 20 triệu đồng/buổi, học viên phải kinh qua 16 buổi, mà chưa biết có đắc đạo hay không.

Gần 7 triệu đồng cho 1 buổi học, sau 3 ngày nhập môn, học viên “nướng” hơn 20 triệu. Nhưng muốn thành "siêu nhân", chắc hẳn phải tịnh tâm trước tiền bạc. Vì khóa học thứ hai, chi phí còn tăng lên đến 20 triệu đồng/buổi, học viên phải kinh qua 16 buổi, mà chưa biết có đắc đạo hay không.

Ai thích và có tiền cũng có thể học phép thôi miên. Ảnh chỉ có tính minh họa
Ai thích và có tiền cũng có thể học phép thôi miên. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Tiềm năng đặc biệt và tiềm năng tài chính

Để tìm hiểu rõ hơn về lớp học siêu đắt này, chúng tôi gõ cửa “đại bản doanh” của Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Tâm – Thể – Trí, trụ sở tại tầng 2 Nhà văn hóa phường Yên Phụ, số 1/15, ngõ 189, đường An Dương, Tây Hồ, Hà Nội.

Văn phòng không một bóng người, gọi điện vào số 0904606 965 để được tư vấn, người đầu dây tự xưng là Thu Trang, trợ lý giám đốc của Trung tâm, cho biết, nếu muốn học thôi miên, các học viên chỉ cần vào trang mạng thoimien.net, tìm hiểu các khóa muốn tham gia rồi gửi đơn đăng ký qua hòm thư điện tử.

Điều kiện tham gia khóa học lớp thôi miên này khá đơn giản: “là những người từ 16 tuổi trở lên, tự nguyện, muốn được khỏe mạnh, giàu có và thành đạt…”. Một lớp dạy đá bóng cho trẻ con cũng cần đo chiều cao, cân nặng, đào tạo về âm nhạc hay hội họa cũng cần phải thi tuyển để xem học viên có năng khiếu hay không. Còn tại lớp học thôi miên này, một lớp đào tạo để phát triển tiềm năng đặc biệt của con người, lại không hề có một yêu cầu nào về sức khỏe thể chất hay tâm thần, chỉ cần có bản lý lịch tự khai theo mẫu và có “tiềm năng về tài chính”?.

“Bạn được học các kỹ thuật tự thôi miên vận dụng trị liệu ngay tại khoá học bằng các kỹ thuật thôi miên chỉ có tại châu Âu lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam”, “Khoá học nâng cao sức khoẻ “khơi nguồn sức sống mới” vận dụng những phép “thần thông” để người bệnh tự trị liệu khỏi bệnh”... Đó là lời quảng cáo hấp dẫn của trung tâm đào tạo thôi miên trên trang thoimien.net.

Chị Nguyễn Tuyết, quê ở Thanh Hà, Hải Dương, từng theo học “cua” 1 của khóa học “Khơi nguồn sức sống mới” cho biết, những người theo học toàn giới V.I.P, vì “có tiền mới học được, không dạy đại trà".

“Thầy” kiêm nghề bán hàng đa cấp

Một học viên kể, “sau 3 ngày nhập môn học thôi miên mình vẫn lơ mơ chưa hình dung ra được “vị thần” (theo cách nói của học viên/PV) trong con người của mình có hình dáng ra sao và khả năng chữa bệnh thế nào”. Cho nên, muốn tiếp cận gần hơn nữa với vị “chân sư” trong tiềm thức thì các học viên phải tiếp tục theo học khóa thứ 2 (tất nhiên là tự nguyện) với kinh phí 299 triệu đồng/16 buổi (gần 19 triệu đồng/buổi).

Đành là sẵn tiền mới có thể theo học, nhưng sau khóa nhập môn 3 buổi (28 giờ), nhiều học viên tỏ ra tiếc cho số tiền mình bỏ ra. Theo học trên lớp đông người (khoảng 50 học viên và 20 người trợ giảng), nhiều lúc “giống như vịt nghe sấm”, làm sao có thể tĩnh tâm để tập luyện – một học viên tâm sự sau lúc “hoàn hồn”.

Chưa nói, việc ngồi thiền phải đúng cách, phải có thời gian riêng, phải thật tập trung, nếu không rất dễ rối loạn thần kinh, như cách truyện chưởng Kim Dung gọi là “tẩu hỏa nhập ma”. Nhiều người ngộ ra, đâu phải thể trạng ai cũng dung nạp.

Hiện nay, các lớp dạy thiền mọc lên như “nấm sau mưa” tại Hà Nội. Có thầy tự học rồi tự viết sách, tự nghĩ ra bài dạy, có khi không theo một nguyên tắc khoa học nào. Thế mà mở lớp "tùm lum", ai thích, ai sẵn tiền cứ theo học.

Nhiều vị có thể có đến cả trăm “tín đồ”, giao “đệ tử” mở cả chục chi nhánh. Có lớp thu “tiền tươi thóc thật”, nhưng cũng có những “môn phái” không thu tiền, nói là chỉ vì sức khỏe cộng đồng. Thực tế thì cũng có thầy thành tâm, nhưng cá biệt có thầy biết cách đánh vào tâm lí người Á Đông, khi đã theo môn này thì tin thầy, thế rồi dù không thu tiền “tu tập” nhưng thầy lại khuyến khích học viên muốn “đắc đạo” thì phải xài thực phẩm chức năng này, thực phẩm chức năng kia.

Đã có một thời gian dài, trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về những vụ cướp tiệm vàng, đổi tiền giả lấy tiền thật, đánh tráo điện thoại mà dư luận đang nghi ngờ những đối tượng lừa đảo đó biết thuật thôi miên. Không hiểu sao, một “bí thuật” có thể tác động đến thần kinh người khác như vậy, muốn là cứ dạy, cứ học đại trà, bất cần điều kiện gì?. Chưa nói đến việc gây hại cho người khác, thực tế chính bản thân người học, không khéo có thể nhập viện tâm thần vì thiền sai phương pháp.

Thực trạng diễn ra vậy, mà không thấy cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân có ý kiến?.

Tố Uyên – Xuân Hân

Đọc thêm