Tăng ràng buộc giữa doanh nghiệp với nhà trường
Tại cuộc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải – thừa nhận hiện còn tình trạng trong một số chương trình đào tạo có những môn học không ăn nhập nhưng vì môn học đó đang tồn tại ở nhà trường nên phải đưa vào. “Nếu đào tạo kiểu đó sẽ lãng phí cho xã hội, người học học những thứ người ta không cần, tốn thời gian và nhiều thứ khác”, ông Long nói.
Trong bối cảnh như vậy, ông Long cho rằng xã hội, mà trực tiếp là nhà tuyển dụng, những doanh nghiệp nên là người ra bài toán dạy cái gì, học cái gì cho các trường học và sinh viên. Chính họ sẽ đặt ra những tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên, từ đầu ra đó để trường học xác định đầu vào là những môn học.
Đồng quan điểm cho rằng mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học với bộ tiêu chuẩn bao gồm nhiều tiêu chí đề cập đến mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, thể hiện qua các chỉ số như đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên tìm việc làm. “Chúng tôi muốn doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào việc đào tạo và đến một thời điểm phù hợp nào đó thì mối liên hệ này được quy định trong luật theo hướng quy trách nhiệm của doanh nghiệp với quá trình đào tạo đại học”, ông Trinh nói.
Ông Trinh nhấn mạnh rằng, giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay đang đặt trong bối cảnh trong nước, quốc tế rất sôi động. Xu hướng hội nhập quốc tế rất mạnh, đặt biệt khi cộng đồng kinh tế ASEAN đã đưa vào vận hành, xuất hiện xu hướng chuyển dịch cạnh tranh lao động. Nếu giáo dục ĐH không thay đổi thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ rất khó cạnh tranh, đôi khi chúng ta có thể thua ngay trong sân nhà.
Trên thực tế, các doanh nghiệp rất dễ tổng kết sản phẩm đào tạo của trường ĐH nhưng quá trình đào tạo của trường thì hoàn toàn đứng ngoài. “Chúng tôi muốn các doanh nghiệp bắt tay với nhà trường từ lúc đào tạo tới đầu ra. Nếu nhà trường không đạt được yêu cầu đề ra thì khi đó lời than trách, quở mắng của doanh nghiệp có tính thuyết phục hơn, tạo động lực cho giáo dục phát triển”, ông Trinh bày tỏ và đề xuất nghiên cứu để tới đây có một luật hay nghị định ghi rõ mối liên hệ, trách nhiệm giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, trong đó có các trường ĐH.
Phải công khai tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm
Về kỳ thi tuyển sinh ĐH, cao đẳng tới đây, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, trong năm 2017, trong các đề án tuyển sinh ĐH, cao đẳng của mình, Bộ GDĐT tạo yêu cầu các trường công khai những yếu tố cốt lõi nhất như đội ngũ cán bộ của nhà trường, cơ cấu giảng viên, trình độ của giảng viên; cơ sở vật chất liên quan đến quá trình đào tạo như phòng học, thư viện, khu vực thực hành và quy mô hiện hành. Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các trường tiếp tục công bố thêm các vấn đề khác. Từ năm 2018, các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm. “Việc công khai này là một cơ hội để quảng cáo hiệu quả cho chính các trường”, ông Trinh nói.
Để làm được điều này, theo ông Trinh, trước hết các trường sẽ tự khai báo nhưng Bộ GDĐT sau đó sẽ giao cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để thẩm định và xác thực. Việc thẩm định này sẽ được tiến hành một cách quy mô, bài bản, có nguyên tắc, yêu cầu quy trình, đảm bảo thông tin các trường công bố thông tin đáng tin cậy. Các trường làm không đúng thì Bộ GDĐT sẽ xử lý và công khai cả việc xử lý này. “Với thông tin công khai như vậy, các học sinh sẽ người đưa ra những lựa chọn thông minh nhất, xứng đáng nhất với công sức và với nguồn học phí mà mình bỏ ra”, ông Trinh khẳng định.