Đại học Luật Hà Nội - 'Cái nôi' đào tạo nhiều cán bộ pháp luật cho đất nước

(PLO) - Những năm gần đây, trước yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, vấn đề tăng cường cán bộ có trình độ pháp luật đang đặt ra đối với tất cả các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, dẫn tới nhu cầu rất lớn về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật. 
Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam - 9/11/2018 do Đoàn TNCS Bộ Tư pháp và Đoàn Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức.
Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam - 9/11/2018 do Đoàn TNCS Bộ Tư pháp và Đoàn Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức.

Nhận thức được vai trò, sứ mạng của Nhà trường trong việc đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước, Trường luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Tư pháp giao phó.

Trường Đại học Luật Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ pháp lý trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ luật học; tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học pháp lý, tham gia vào các hoạt động xây dựng, giáo dục, phổ biến pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao. Trong 6 năm qua, tập thể giảng viên, chuyên viên, sinh viên và học viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiều mặt công tác.

Điển hình là công tác đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước. Quy mô đào tạo của Trường không ngừng phát triển qua từng giai đoạn. Từ chỗ chỉ đào tạo vài trăm cử nhân đại học và cao đẳng pháp lý hàng năm, đến nay Trường đã đào tạo tất cả các cấp học, từ cử nhân đến thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều hệ đào tạo như chính quy, vừa làm vừa học.

Nhà trường luôn nỗ lực mở rộng quy mô đào tạo ở tất cả các hệ. Số lượng sinh viên, học viên tăng lên hàng năm. Năm 2013, quy mô đào tạo của Trường mới chỉ dừng lại ở 8.856 sinh viên và học viên ở tất cả các hệ. Qua 05 năm trưởng thành và phát triển, hiện nay quy mô đào tạo của Trường đã gần gấp đôi so với năm 2013 (15.734 học viên và sinh viên).

Đi liền với mở rộng quy mô đào tạo, Nhà trường rất chú trọng đến chất lượng đào tạo ở tất cả các hệ, nhất là hệ chính quy. Sinh viên tốt nghiệp của Trường được các đơn vị tuyển dụng đánh giá là khá hơn về kiến thức so với mặt bằng chung của sinh viên luật hiện nay.

Nhiều thế hệ sinh viên của Trường đã và đang công tác ở nhiều vị trí khác nhau, đã và đang đảm nhiệm vai trò trọng trách cao trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đóng góp một phần công sức vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Trường cũng quan tâm đầu tư và tổ chức áp dụng phương pháp, công nghệ đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Giảng viên của Trường thực hiện việc giảng dạy bằng các phương pháp mới, sử dụng phương tiện hiện đại vào giảng dạy làm tăng tính hấp dẫn và chất lượng của bài giảng, tạo ra một không khí mới trong giảng dạy, học tập.

Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo được thực hiện nghiêm túc. Trường đã xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra trình độ đại học cho ngành luật kinh tế, ngành luật thương mại quốc tế và chuẩn đầu ra đối với bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; chất lượng đào tạo ở tất cả các hệ khá ổn định và từng bước được nâng cao.

Năm 2017, Trường đã hoàn thành công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cho giai đoạn 2011 – 2016. Còn khi hoạt động kiểm định được chuyển giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang cho các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thì Trường Đại học Luật Hà Nội chính là một trong số 80 trường đại học đi tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước và được trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục hồi tháng 4/2018 vừa qua. 

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ kiêm Phó Hiệu trưởng Chu Mạnh Hùng cho biết, Nhà trường còn tích cực trong các hoạt động tình nguyện. Hoạt động “Tiếp sức mùa thi” được tổ chức hàng năm. Mỗi năm có sự tham gia của 300 sinh viên của Trường, góp phần giúp sức cho các thí sinh tham gia tuyển sinh đại học tự tin và cũng góp phần giảm thiểu ách tắc trong kỳ thi tuyển.

Đặc biệt, hoạt động tình nguyện xa tới các địa bàn nông thôn, miền núi được duy trì thường xuyên hàng năm. Chỉ trong năm 2017, có 40 sinh viên tình nguyện tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội); 85 giảng viên, sinh viên tình nguyện tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Hoạt động tình nguyện tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác vệ sinh môi trường, ủng hộ tiền, hiện vật cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Với nhiều kết quả đã đạt được, Trường liên tục được tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý. Trong đó phải kể đến Huân chương Lao động các hạng Nhất (năm 1994), hạng Nhì, hạng Ba và nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Trường đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004 rồi hạng Nhì năm 2014 vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Trường.

Những phần thưởng ấy lại tiếp tục trở thành nguồn động viên các cán bộ, giảng viên trong Nhà trường nỗ lực hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao. 

Đọc thêm