Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng… Trước mắt, việc nghiên cứu ứng dụng CNTT vào THADS có thể tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, giao nhận bản án, quyết định và văn bản THADS bằng phương tiện điện tử: Theo quy định hiện hành, thủ tục giao nhận bản án quyết định cho cơ quan THADS vẫn được thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hình thức này đang bộc lộ rất nhiều hạn chế như: Tốn nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc giao, nhận và cần nhiều nhân lực để thực hiện nên hiệu quả không cao và có thể dẫn tới sai sót, nhầm lẫn, khó kiểm soát.
Hiện tại, thực hiện Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử; phần mềm gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ và cấp, tống đạt văn bản tố tụng bằng văn bản điện tử đang được triển khai thực hiện thống nhất trong ngành Tòa án; triển khai thực hiện chữ ký điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử bản án, quyết định.
Do vậy, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống THADS với ngành Tòa án chỉ đạo gửi bản án, quyết định bằng thư điện tử hoặc chia sẻ trên phần mềm bằng cách cấp quyền truy cập vào phần mềm chung thì việc này hoàn toàn có tính khả thi.
Việc “số hóa” bản án, quyết định và gửi, nhận trên phần mềm không chỉ đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời của việc chuyển giao mà còn phát huy tính chủ động của cơ quan THADS trong việc tiếp nhận bản án, quyết định từ các cơ quan tài phán có thẩm quyền.
Tuy nhiên, để thực hiện được cần sửa đổi qui định của pháp luật và tạo lập cơ sở hạ tầng CNTT đồng bộ kết nối giữa Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh với cơ quan THADS.
Hai là, việc gửi, nhận đơn yêu cầu thi hành án và thông báo thi hành án: Luật THADS quy định 03 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn; trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện). Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án trực tuyến cũng nên được quan tâm để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, góp phần rút ngắn thời gian thụ lý thi hành án.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc thông báo thi hành án vẫn thực hiện chủ yếu bằng phương thức trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tế cho thấy hiệu quả của các phương thức này còn nhiều hạn chế, chiếm nhiều thời gian, tiêu tốn nhiều kinh phí.
Ngoài ra, trong điều kiện CNTT được phát triển mạnh mẽ, phần lớn người dân đã sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh... thì việc quy định thông báo về THADS thông qua ứng dụng CNTT trong Luật THADS sẽ tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục THADS nhanh hơn, rút ngắn thời gian thi hành án.
Thứ ba, về thanh toán tiền thi hành án: Phương thức thanh toán phổ biến hiện nay là đương sự trực tiếp đến nhận tiền (hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận thay) tại cơ quan THADS, việc chi trả chủ yếu thực hiện bằng tiền mặt.
Việc chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản chỉ được thực hiện khi người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản (Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ). Điều này phần nào hạn chế sự chủ động của cơ quan THADS.
Do đó, nên bổ sung quy định pháp luật về THADS theo hướng tăng cường, khuyến khích thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản để giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian thi hành án.
Ngoài ra cần nghiên cứu, nâng cao khả năng ứng dụng CNTT vào các hoạt động khác trong THADS như: Giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm sát, giám sát và thực hiện kiểm sát, giám sát trong THADS... Điều này sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến to lớn trong công tác THADS và tạo ra bước đột phá về mặt thủ tục đối với công tác này.