Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo MSB cho biết, năm 2019 là một năm thành công của MSB khi Ngân hàng đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các chỉ tiêu quan trọng. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.287 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2018.
Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 157 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018 và hoàn thành 103% so với kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng hơn 23% đạt gần 68 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 25% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu đặt ra.
Trong năm 2019, MSB cũng chính thức được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn mực quốc tế Basel II.
Tháng 4/2019, MSB cũng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng hạng. Điều này đồng nghĩa với việc MSB được công nhận là ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn của chuẩn quốc tế, giúp ngân hàng nâng cao vị thế, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
|
Đại hội đã thông qua tất cả các báo cáo, tờ trình, kế hoạch quan trọng của ngân hàng trong năm 2020 trong đó nhấn mạnh kế hoạch và các mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. |
Năm 2019 còn đánh dấu sự đổi mới không ngừng của MSB trong tất cả các hoạt động kinh doanh, quản trị, vận hành theo hướng số hóa trải nghiệm của khách hàng. Đầu tiên là việc thay đổi hệ thống nhân diện thương hiệu, chuyển đổi tên ngân hàng từ Maritime Bank sang MSB cùng hình ảnh logo mới và thông điệp thương hiệu “Cùng vươn tầm” giúp hình ảnh ngân hàng trở nên hiện đại, năng động, hướng đến sự thấu hiểu và đồng hành cùng khách hàng nhiều hơn.
Từ đó, MSB chú trọng nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng bằng các sản phẩm dịch vụ tiện ích, có hàm lượng công nghệ cao. Điển hình, năm 2019, MSB là ngân hàng tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hành thẻ tín dụng, đầu tư triển khai ứng dụng nâng cao trải nghiệm giao dịch như thanh toán qua QR Code, Samsung Pay, thẻ thanh toán không tiếp xúc, nâng cấp ứng dụng Mobile Banking cho Khách hàng cá nhân… MSB cũng đưa vào vận hành hệ thống Quản lý Khách hàng trọng tâm có khả năng cá nhân hóa các gói sản phẩm phù hợp với từng khách hàng và nhóm khách hàng, giúp nâng cao hiệu quả bán hàng và giải phóng nguồn lực, tăng năng suất lao động.
Về hoạt động quản trị vận hành, hàng loạt các dự án công nghệ cũng đã được triển khai thành công, nổi bật như Hệ thống Quản trị thông tin nhân sự HRIS, hệ thống Edocman, triển khai toàn diện hệ thống LOS, bước đầu ứng dụng thành công công nghệ RPA để tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại… Điều này đã giúp ngân hàng hiện đại hóa, tăng năng suất làm việc, rút ngắn thời gian xử lý công việc, từ đó nâng cao chất lượng vận hành hệ thống, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả của cán bộ nhân viên.
Tiếp nối sự thành công của năm 2019, trong Quý I/2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, MSB vẫn duy trì sự tăng trưởng khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng gần 297% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 224 tỷ đồng, tăng 265%. Tổng tài sản của ngân hàng cũng đạt gần 155 nghìn tỷ, tăng gần 15% so với quý I/2019. Ba trụ cột của Basel II cũng được ngân hàng công bố hoàn thành sớm trước hạn ngay trong quý I/2020 này.
Hoạt động kinh doanh được quản trị tốt, chiến lược hiệu quả kết hợp với các chỉ số an toàn được kiểm soát hiệu quả đã giúp MSB giữ nguyên được xếp hạng tín nhiệm ở tất cả các tiêu chí trong kỳ đánh giá của tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s tháng 5/2020.
Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực và thành quả của MSB trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng ở khu vực APAC và nhiều tổ chức tài chính ở Việt Nam rơi vào danh sách xem xét hạ bậc tín nhiệm của Moody’s trong đợt đánh giá vừa qua do tác động từ dịch Covid-19. Kết quả này là tiền đề cho sự tăng trưởng ổn định và tốt hơn của MSB trong thời gian tới.
Với những kết quả đạt được trong năm 2019 và những tín hiệu tốt trong Quý I/2020, MSB đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2020 và đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Đại hội. Cụ thể, mục tiêu 2020 đạt lợi nhuận trước thuế 1.439 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019; tổng tài sản 170 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 81,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn đạt 99 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. MSB cũng đặt mục tiêu xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2020.
ĐHĐCĐ thống nhất với kế hoạch hành động của Ngân hàng nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong đó xác định rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa sản phẩm, đem lại các giá trị khác biệt cho khách hàng, có tính cạnh tranh cao trên thị trường; quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế; đầu tư mạnh mẽ về công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển ngân hàng số, nâng cao trải nghiệm của khách hàng cũng là trọng tâm trong chiến lược hoạt động của MSB trong 2020.
Về việc chia cổ tức, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% trong năm 2020, đồng thời không chia cổ tức cho năm 2019 mà sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm 2019 để tái đầu tư vào hoạt động của ngân hàng trong năm 2020. Phương án này được đại đa số cổ đông thống nhất nhằm đảm bảo ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tốt, đảm bảo vận hành an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và dịch bệnh Covid-19.
Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng đã cập nhật tình hình chuẩn bị niêm yết lên sàn chứng khoán trước những diễn biến bất lợi của thị trường trong Quý I năm 2020, theo đó, xin ý kiến cổ đông về việc tạm hoãn hồ sơ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và sẽ tái khởi động việc niêm yết trên HOSE vào thời điểm thị trường thuận lợi hơn.
Trong thời gian đó, ĐHĐCĐ ủy quyền cho Hội đồng quản trị MSB chọn thời điểm phù hợp để thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM tùy thuộc diễn biến của thị trường chứng khoán và/hoặc yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động này đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngân hàng đồng thời tạo dựng niềm tin và mang giá trị gia tăng nhiều hơn nữa cho khách hàng, đối tác và cổ đông.