Đãi ngộ thấp, cán bộ ngành toà án dễ sinh tiêu cực?

Đến từ ngành Tòa án, đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) thừa nhận: “Chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành tòa án hiện quá thấp nên dễ nảy sinh tiêu cực”. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Quý Tỵ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, chế độ đãi ngộ không phải là mấu chốt của vấn đề có phát sinh tiêu cực hay không...

Quốc hội hôm qua thảo luận tại tổ về báo cáo nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đạo đức mới là gốc rễ vấn đề

Thảo luận về báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC phần lớn các đại biểu ghi nhận những kết quả trong nhiệm kỳ của hai cơ quan này trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai.

Ngoài những đánh giá tích cực, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) làm phép so sánh, chế độ đãi ngộ với thẩm phán quá thấp, trong khi tiêu chuẩn quá cao, cơ chế tuyển dụng khắt khe.

“Ở nước ngoài, thẩm phán được chọn từ những luật sư tự do, còn ở ta thì phải đi lên từ thư ký, và phải mất nhiều năm chúng ta mới đào tạo được một thẩm phán”, ông Xuân nói và đề xuất. “Ngành Tòa án có thể trình ra Quốc hội một cơ chế đặc thù trong đãi ngộ, tuyển dụng thẩm phán".

"Tới đây ta nên công khai các bản án đã xử để báo chí, người dân cùng biết mà giám sát, phát hiện sai sót mà sửa, chứ không thể xử án hình sự mà “nửa kín nửa hở”, ông Xuân hiến kế thêm.

Là đại diện đến từ ngành Tòa án, đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) thừa nhận: “Chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành tòa án hiện quá thấp nên dễ nảy sinh tiêu cực”.

“Năm rồi Điện Biên tuyển được hai cán bộ có bằng trung cấp Luật, sau đó một người lại bỏ… Cứ chế độ như hiện nay, cán bộ sẽ không tha thiết vào ngành và tận tâm cống hiến”, đại biểu Hương nói và đề nghị: “Tới đây ngành cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong thu hút cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số vì thực tế rất cần những cán bộ này cho cơ sở”. 

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, đại biểu Phạm Quý Tỵ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, chế độ đãi ngộ không phải là mấu chốt của vấn đề có phát sinh tiêu cực hay không, cái chính  là vấn đề đạo đức thẩm phán, kiểm sát viên. Nâng cao trình độ và đạo đức mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Nâng cao chất lượng tranh tụng

Đánh giá cao trong nhiệm kỳ ngành Tòa án đã giải quyết tới hơn 1 triệu vụ án, nhưng hòa thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên- Huế) lại tỏ ra quan ngại khi còn tới trên 24.000 vụ chưa xét xử. “Cần bổ sung ngay bộ máy cho ngành Tòa án càng sớm càng tốt. Thêm vào đó, phục vụ cải cách tư pháp phải quan tâm đến đào tạo luật sư, nâng cao chất lượng tranh tụng”, Hòa thượng nhấn mạnh.

Cho rằng Tòa án và kiểm sát hai cơ quan đem lại niềm tin công lý cho người dân nhưng đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai, Tây Ninh, lại trăn trở với những số phận con người, đặc biệt là án oan sai: “Có những đơn nhận từ nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ sau mới giải quyết được. Nhiệm kỳ tới đây cần giải quyết ráo riết các vụ án tồn đọng, tiến tới tăng số lượng con người, năng lực trình độ và phẩm chất đạo đức. Phải có những thẩm phán giỏi thì hiệu lực, hiệu quả của ngành mới tức thì”…

Bình An

Đọc thêm