Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương. Ảnh: qdnd.vn |
Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thượng tướng Phạm Hoài Nam.
Tại Hội nghị, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Luật Sĩ quan) và một số nội dung quan trọng khác.
Luật Sĩ quan được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014. Qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Sĩ quan (sửa đổi) đã tạo động lực để đội ngũ sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là nòng cốt trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập…
Trước những yêu cầu đó, Bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan theo đúng trình tự, thủ tục quy định, dự kiến sẽ được trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn, cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Biểu dương các cơ quan chức năng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, hoàn thiện các nội dung, hồ sơ liên quan bảo đảm đầy đủ để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, làm cơ sở xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc hoàn thiện Luật Sĩ quan đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan và việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào phục vụ Quân đội. Do đó, các cơ quan chức năng cần phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm để đóng góp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Luật và giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn.
Với ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng, ban hành Luật, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan; song song với sửa Luật, cần xây dựng nghị định, thông tư để khi Luật có hiệu lực có thể triển khai thực hiện được ngay, không để thời gian trống.