Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ Gen Z

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Có những con người đã trở nên bất tử trong tâm trí của lớp lớp thế hệ tiếp sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một danh nhân vĩ đại như vậy.
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) và các em học sinh của Hà Nội bên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng ngày 22/12/2023. (Ảnh: PV)
Cô giáo Đặng Nguyệt Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) và các em học sinh của Hà Nội bên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng ngày 22/12/2023. (Ảnh: PV)

Vào những ngày tháng Mười năm 2013, cả thế giới và toàn thể người dân Việt Nam đã nghiêng mình tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà ở tỉnh Quảng Bình. Ký ức về những ngày này đối với thế hệ Gen Z (sinh ra từ 1996 đến năm 2012) là khá lạ lẫm vì khi đó đang còn quá nhỏ tuổi. Làm sao để tiếp tục lan tỏa tấm gương sáng ngời của Đại tướng với các thế hệ trẻ ngày nay là một thách thức không hề dễ dàng và để biết thế hệ Gen Z nghĩ gì về Người cũng là điều thực sự rất đáng để quan tâm.

Bài học trải nghiệm thực tế đặc biệt

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/2023), phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã được tham gia buổi trải nghiệm thực tế đầy ý nghĩa cùng cô giáo Đặng Nguyệt Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) và các em học sinh của Hà Nội thuộc thế hệ sinh năm 2007 - 2008 trong chuyến thăm ngôi nhà lịch sử tại số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội).

Trong khuôn viên quen thuộc suốt hàng chục năm qua, ông Võ Điện Biên - con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thân mật mở cánh cổng sắt đã cũ để đón tiếp chúng tôi. Những thành viên thuộc thế hệ Gen X (sinh ra từ năm 1965 - 1980) cùng đi trong đoàn đều dâng trào cảm xúc, muốn bước bước chân mình chậm hơn nhưng mà nhịp tim của mỗi người cứ đập dồn dập hơn. Những kí ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như những “Chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ” dường như đang hiển hiện trong mắt của chúng tôi. Tất cả cùng bồi hồi nhớ lại 10 năm trước vào ngày mà Đại tướng đã rời xa cõi đời hưởng thọ 103 tuổi, nơi đây đã có hàng chục vạn lượt người đến nghiêng mình ngóng trông và vĩnh biệt Người. Nhưng với những em học sinh thế hệ Gen Z lại có sự bỡ ngỡ và rụt rè nhất định.

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã dần thay đổi nhiều điều. Ngay cả thế hệ Gen X và lớn hơn cũng rất muốn được chụp, lưu lại những bức ảnh kỉ niệm tại nơi đây không thua gì giới trẻ. Lặng lẽ hơn trong đoàn tham quan lại là thế hệ Gen Z. Có lẽ vì sự e dè đối với các thế hệ trước và cảm giác hồi hộp về sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng được biết qua sách báo.

Nhưng những lời chia sẻ chân thành của ông Võ Điện Biên và cô giáo dạy văn Đặng Nguyệt Anh bên bàn thờ của Đại tướng đã giúp cho các thành viên trong đoàn (thuộc nhiều thế hệ khác nhau) đều cùng dâng trào cảm xúc. Những giọt nước mắt cứ tự lăn trên má của chúng tôi. Mỗi nén nhang thành kính dâng lên Đại tướng lúc này như sợi dây tâm linh kết nối những thế hệ người Việt Nam với nhau vì niềm tự hào dân tộc và cả những mất mát, đau thương trong lịch sử.

Lời giới thiệu về các di vật đã được dâng tặng Đại tướng ở bên bàn thờ khiến cho như hàng chục trang sách giáo khoa đang được mở ra trước mắt các bạn trẻ Gen Z từ những ngày tiền khởi nghĩa 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 cho tới những nắm đất mang về từ quần đảo Trường Sa và các cao điểm ở Hà Giang năm 1979,…

Trải nghiệm bất ngờ của thế hệ Gen Z bên chiếc xe ô tô quen thuộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: PV)

Trải nghiệm bất ngờ của thế hệ Gen Z bên chiếc xe ô tô quen thuộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(Ảnh: PV)

Chỉ cách vài chục bước chân từ gian thờ chính, chúng tôi được bước vào căn phòng lịch sử vẫn giữ nguyên bộ bàn ghế suốt hàng chục năm qua mà đã từng được Đại tướng dùng làm nơi tiếp khách cũng như để bàn bạc các công việc trọng đại của nước nhà đến thâu đêm suốt sáng. Giờ đây văn phòng này là nơi lưu giữ những kỉ vật mà mọi người đã dâng tặng Đại tướng dù cho chiếc ghế chính thân quen đã thiếu bóng Người…

Cũng tại đây, các thành viên của đoàn còn bất ngờ được trao tặng quà lưu niệm là tác phẩm ảnh đồ họa mosaic mang tên “103 nụ cười tỏa sáng” mà tác giả Đoàn Bắc đã từng thực hiện và công bố lần đầu vào tháng Mười năm 2013. Từ 102 bức ảnh tuyển chọn về Đại tướng đang cười của nhiều người chụp khác nhau, nhiếp ảnh gia Đoàn Bắc đã nhân bản thành 1020 khuôn hình ghép lại thành bức ảnh chính thứ 103 tiêu biểu nhất cũng về nụ cười hiền hậu của Người.

Chúng tôi được biết tác phẩm đồ họa này được thực hiện đúng vào những ngày mà hình ảnh cả nước đang khóc thương và tưởng nhớ Đại tướng tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng tác phẩm về nụ cười này đã chiếm trọn tình cảm của công chúng thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau và được cộng đồng mạng đánh giá là hình ảnh ấn tượng nhất trong thời điểm đó. Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Đoàn Bắc (một người thuộc thế hệ Gen X), cảm hứng để thực hiện việc này đến từ lời dạy của đại văn hào Victor Huy-gô với con: “Hãy sống sao cho khi được sinh ra mình khóc còn mọi người cười và đến khi mình chết thì mình cười và mọi người thì khóc”.

Bức hình này đã giúp cho chúng ta như thấy Đại tướng đang mỉm cười với mình và cuộc sống vẫn luôn có bóng dáng của Người. Không chỉ chúng tôi thấy vậy mà dường như cả không gian, cả cảnh vật tại ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu cũng vậy, từ đàn cá cảnh cứ ngoi lên theo tiếng gọi “cá ơi” cho tới giàn hoa phong lan trong những vỏ đạn pháo vẫn đang đua sắc quanh năm. Kể cả chiếc xe ô tô thân quen của Đại tướng cũng như luôn sẵn sàng để đưa chúng ta lăn bánh đến khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam.

Những cảm nhận chân thực của thế hệ Gen Z

Tác phẩm đồ họa mosaic “103 nụ cười tỏa sáng” do tác giả Đoàn Bắc từng thực hiện và công bố tháng Mười năm 2013. (Ảnh: PV)

Tác phẩm đồ họa mosaic “103 nụ cười tỏa sáng” do tác giả Đoàn Bắc từng thực hiện và công bố tháng Mười năm 2013. (Ảnh: PV)

Sau những giây phút đầy xúc động tại địa danh lịch sử này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận lại những cảm nghĩ chân thực nhất của các bạn trẻ thế hệ Gen Z về Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu của chúng ta.

Như rất nhiều người chưa có cơ hội tham quan ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, bạn trẻ Gia Linh (THPT Việt Đức) vẫn luôn nghĩ: “Dù chưa có cơ hội, em vẫn có cảm giác hồi hộp và sốt ruột mong được thăm nơi ở của Đại tướng, có lẽ là do tình yêu nước, nguồn cội thấm đẫm của người Việt trào dâng”.

Còn bạn Linh An (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ: “Qua trải nghiệm đặc biệt này, em càng thêm trân trọng, yêu mến Đại tướng và thêm tự hào khi được là một người con của đất nước Việt Nam anh hùng”. Bạn Thủy Trúc (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã rất ấn tượng về “cuộc sống vô cùng giản dị, chân chất, với căn nhà rợp bóng cây xanh, xung quanh là hồ cá, vườn rau,... của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Bạn Linh Anh (THPT Việt Đức) đã có những sự liên hệ rất thực tế với bài học từ sách giáo khoa: “Chúng em sinh ra trong thời bình, không biết cảnh bom đạn khó khăn nhưng đến đây, bài học lịch sử, những trận chiến được Đại tướng tài ba chỉ huy đã hiện ra trước mắt em. Nơi đây là những cảm xúc bao trùm lấy em từ tự hào, hãnh diện và cả sự ngạc nhiên về giàn hoa lan đầy sức sống, những bóng cây rợp mát, hồ cá nhỏ và những kỷ vật vô giá vẫn vẹn nguyên nụ cười hiền Đại tướng trong lòng dân”.

Đặc biệt là chia sẻ đầy ấn tượng của bạn Ngọc Linh (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam): “Quả thật, người lính Cụ Hồ dẫu có vĩ đại đến nhường nào vẫn giữ cho mình cái chân chất, mộc mạc của người Việt Nam. Huân chương, huy hiệu đã nhận cả, đến khi rời xa trần thế vị tướng tài ba ấy đã để lại tất cả tình yêu, hoà bình, độc lập cho quê hương, Tổ quốc Việt Nam”.

Với những trải nghiệm thực tế ý nghĩa như thế này chắc chắn sẽ là bài học đầu đời vô cùng ý nghĩa với các thế hệ trẻ Việt Nam. Hy vọng hình thức giáo dục này sẽ được nhận rộng ở nhiều trường học, các cấp học để thế hệ trẻ của chúng ta luôn tự hào là người Việt Nam và quê hương mình.