Vùng đất khó
Theo lời kể của ông Nguyễn Thế Liêu (73 tuổi, thôn Nà Ven), vào ngày 20/3/1988, ông dẫn theo vợ con cùng 73 hộ dân khác rời huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vào Đắk Lắk lập nghiệp theo chủ trương của huyện.
Đợt di cư đó có gần 200 người, đủ cả già trẻ lớn bé, họ gói gém tất tần tật những đồ đạc có giá trị trong nhà, dắt díu nhau lên đường đến vùng đất hứa với ước vọng đổi đời.
Khi đến Tây Nguyên, những con người ấy được đưa đến một cánh rừng nghèo gần suối Đục (xã Krông Na, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) định cư (sau này đổi tên thành thôn Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn). Lúc đó, nơi bà con ở chỉ có một bãi đất trống mới được san ủi, bao quanh là điệp trùng rừng núi, khung cảnh rất hoang vu.
Thời điểm đó, người dân phải đốn cây, cắt cỏ tranh và dùng giấy dầu để dựng chòi che mưa che nắng. Đồng thời, chính quyền cũng hỗ trợ cho họ hơn 10 xe rơm để làm mái lợp, cấp cho mỗi khẩu 13kg gạo nhằm chống lại cái đói trước mắt.
Khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, người dân bắt tay vào việc khai hoang, trồng trọt. Thế nhưng, vùng đất bao quanh thôn Nà Ven rất cằn cỗi, chẳng loại cây trồng nào phát triển, tươi tốt được.
“Dân Thái Bình chúng tôi quen với việc canh tác lúa nước. Tuy nhiên, thời tiết nơi đây quá khắc nghiệt, mùa hạn thì đồng cạn, lúa khô; mùa mưa phèn nổi lềnh bềnh… Thấy trồng lúa kém hiệu quả, chúng tôi quay sang tỉa bắp, đậu… nhưng rút cuộc chẳng thể nào khấm khá nổi”, ông Liêu chia sẻ.
Do cuộc sống quá khó khăn nên người dân lũ lượt bỏ đi. Sau vài tháng, thôn Nà Ven chỉ còn sót lại 17 hộ. Thời gian thấm thoắt trôi qua, đến nay thôn Nà Ven đã bước sang “tuổi” 28. Chừng ấy thời gian có thể làm nhiều vùng quê khác “thay da đổi thịt” nhưng Nà Ven vẫn vậy.
Hiện nay, những ngôi nhà tạm bợ được lợp bằng cỏ tranh ngày xưa đã được thay màu ngói mới. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với cái nghèo, với cuộc sống thiếu thốn trăm bề và gần như tách biệt với nền văn minh bên ngoài vì… không có điện.
Anh Nguyễn Văn Sự (37 tuổi, thôn Nà Ven) cho biết: “Tôi theo gia đình vào Nà Ven từ khi còn nhỏ. Thuở còn trẻ thơ, tôi nghe cha mẹ nói vài năm nữa thôn mình sẽ có điện. Vậy mà đã gần 30 năm trôi qua vẫn chẳng thấy điện đâu”.
Theo anh Sự: “Việc thiếu điện kéo theo rất nhiều trở ngại trong sản xuất, sinh hoạt. Vì không có điện, chúng tôi chẳng thể nào bơm đủ nước để tưới tiêu cho cây trồng. Hiện tại, cả thôn chỉ có vài chiếc vô tuyến đen trắng cũ kĩ, dăm ba chiếc ra-đi-ô ọp ẹp chạy bằng pin hoặc bình ắc quy để nghe ngóng thông tin. Ở đây, các em nhỏ cũng không có điều kiện tốt để học hành vì kinh tế cha mẹ eo hẹp, đường sá đi lại bất tiện”.
|
Không có điện, người dân Nà Ven phải tự bơm nước thủ công. |
“Khát” nước, “khát” luôn cả điện
Chia sẻ về những khó khăn chung của người dân, ông Nguyễn Đức Giang, Trưởng thôn Nà Ven cho biết, toàn thôn có gần 200ha đất nông nghiệp, tính bình quân mỗi hộ có đến gần 4ha để canh tác. Thế nhưng, bà con chẳng thể làm gì khác trên vùng đất rộng thênh thang ấy ngoài việc tỉa đậu, tỉa bắp, trồng mì. Mùa màng năm được năm mất, kinh tế bết bát nên trong số 41 hộ hiện tại của thôn có tới 36 hộ nghèo.
Cũng theo lời vị trưởng thôn, xét về vị trí địa lý, Nà Ven nằm gần suối Đục (khoảng 1km), cách nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A khoảng 2km (tính theo đường chim bay), cách nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4B khoảng 10km. Suối nước Đục quanh năm có nước, hai nhà máy thủy điện này đều đã đi vào hoạt động.
Thế nhưng, hơn 40 hộ dân trong thôn Nà Ven vẫn sống trong cảnh “khát nước”, “khát” luôn cả điện. Gia đình nào “sang” lắm mới xây được chiếc bể bằng xi măng để cất nước trời, sắm được chiếc bình ắc quy và bộ máy phát điện năng lượng mặt trời để thắp sáng. Ngoài ra, đa phần bà con vẫn thắp đèn dầu, bơm nước thủ công…
Trong năm 2012, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm Nà Ven. Tại đây, Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền địa phương phải nhanh chóng kéo điện lưới cho bà con. Thời điểm đó, lãnh đạo huyện Buôn Đôn cũng hứa sẽ triển khai khảo sát... Thế nhưng đến nay, Nà Ven còn rất tù mù giữa đại ngàn hoang vắng.
Ông Trương Văn Hải (60 tuổi, người dân) kể: “Điện và nước uống của bà con nơi đây đều lấy từ…trời. Những ngày mưa dầm, cả thôn đều phải thắp đèn dầu vì không tích được điện từ sức nóng của mặt trời”.
Theo tìm hiểu của XLPL, cách đây mấy năm, có kênh thủy điện cắt ngang đường vào Nà Ven. Sau đó, phía thủy điện chịu trách nhiệm xây cầu cho dân đi lại. Nhưng chiếc cầu được thiết kế xây thấp hơn mặt đường khoảng 5-6m khiến ai qua lại cũng run cầm cập vì sợ rơi xuống dòng kênh sâu.
Vì quá bức xúc, bà con thôn Nà Ven lên tiếng phản đối về chiếc “cầu lạ”. Một thời gian sau, phía chủ đầu tư tới gặp gỡ bà con, ra điều kiện muốn tiếp tục xây cầu và hứa sẽ kéo điện cho Nà Ven. Thế rồi, một hàng cột điện “mọc” lên ven đường, nhưng lòng dân không thuận, phía thủy điện buộc phải làm lại cầu mới. Rút cuộc, thủy điện “bỏ rơi” hàng cột điện, Nà Ven vẫn chìm trong bóng tối cho đến nay.
Trao đổi với XLPL, một lãnh đạo huyện Buôn Đôn chia sẻ, huyện này có 4 nhà máy Thủy điện đang hoạt động. Những năm qua, huyện cũng đã báo cáo về vấn đề điện lưới tại thôn Nà Ven nhưng chưa thể giải quyết được.
Bởi lẽ, Buôn Đôn là huyện nghèo, ít doanh nghiệp đầu tư, tiềm lực tài chính hạn hẹp nên chưa có vốn để triển khai. Bên cạnh đó, dân cư tại Nà Ven thưa thớt (41 hộ) nên việc kéo điện gặp nhiều khó khăn.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Duyệt, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn cho hay, hiện tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Sở Công thương làm chủ đầu tư, ký hợp đồng thi công với Ban quản lý dự án điện nông thôn Miền Trung tiến hành rà soát và lên kế hoạch thi công, kéo điện lưới cho những thôn buôn chưa có điện trên toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, đến trước tết âm lịch 2017, một số thôn buôn tại các xã Ea Nuôl. Krông Na, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) sẽ được kéo điện. Tuy nhiên, thôn Nà Ven chưa có trong danh sách thi công năm nay. Có thể sang cuối năm 2017, thôn Nà Ven mới được kéo điện lưới quốc gia.