Đắk Nông xác định phát triển công nghiệp là mũi nhọn hàng đầu

(PLVN) - Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về một số vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng, công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, lãnh đạo tỉnh xác định nền kinh tế mũi nhọn hàng đầu của địa phương là công nghiệp.
Bộ Công thương làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Tạp chí Công thương
Bộ Công thương làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Tạp chí Công thương

Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết: Năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển đáng khích lệ, tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,75%, trong đó công nghiệp tăng 8,85%. Đắk Nông xác định nền kinh tế tỉnh có đột biến, tăng tốc, bền vững hay không thì phát triển công nghiệp vẫn là mũi nhọn hàng đầu của địa phương, cùng với năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các đơn vị, thời gian qua Đắk Nông đã bước đầu khẳng định được những mũi nhọn này.

Về năng lượng, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk có 22 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng cộng suất 1.640MW, trong đó 14 nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 349,11MW. Dù có tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 2 dự án điện mặt trời đang vận hành với tổng công suất 106,4MWp, 1 dự án 30MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Do đó, tỉnh Đắk Nông đã trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch 10 dự án điện mặt trời với tổng công suất 872MWp và 14 dự án điện gió tổng công suất 1.004MW. Bộ Công Thương đến nay đã trình Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch 6 dự án điện gió với tổng công suất 430MW.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Trước những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, thương mại tại Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ có những chỉ đạo cụ thể đến từng đơn vị để khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với tỉnh giải quyết các vấn đề này trên “tinh thần gỡ khó cho địa phương, cùng địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển”. Đặc biệt, về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, xem xét bổ sung những dự án năng lượng tái tạo tiềm năng của địa phương vào quy hoạch điện lực quốc gia.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm, Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua là cơ hội rất tốt cho các địa phương, Đắk Nông cũng nên chủ động tìm hiểu và tiếp cận, đặc biệt liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết nối kỹ thuật chế biến, canh tác. Đắk Nông có thế mạnh về cà phê, nếu như phát triển vùng nguyên liệu, vùng canh tác, chế biến… thì có cơ hội rất tốt với tiếp cận thị trường tiêu thụ khổng lồ của các nước EU./.

Đọc thêm