Đảm bảo cho lễ hội truyền thống huyện Mê Linh văn minh, an toàn, tiết kiệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Huyện Mê Linh, Hà Nội là một trong các địa phương có nhiều lễ hội truyền thống. Thông qua các lễ hội, các hoạt động văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đã được khôi phục và phát triển.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 được tổ chức mang tính đột phá và ấn tượng
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 được tổ chức mang tính đột phá và ấn tượng

Mê Linh là vùng đất cổ thuộc khu vực châu thổ sông Hồng. Nhân dân nơi đây giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và cũng giàu truyền thống văn hóa.

Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được 161 di tích lịch sử văn hóa lớn, nhỏ, đi cùng các hoạt động văn hóa truyền thống, trong đó: 1 di tích xếp hạng cấp Quốc gia Đặc biệt (Đền Hai Bà Trưng); 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 57 di tích xếp hạng cấp thành phố; 78 di tích chưa được xếp hạng.

Trên địa bàn huyện có 60 lễ hội (tất cả đều là lễ hội truyền thống). Các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch hàng năm.

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống góp phần rất lớn thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết, thành lập Ban tổ chức lễ hội để chỉ đạo, quản lý và điều hành.

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” khai mạc Lễ hội Hai Bà Trưng

Chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” khai mạc Lễ hội Hai Bà Trưng

Có thể nhận thấy các giá trị văn hóa truyền thống của huyện qua các lễ hội, tiêu biểu là các lễ hội như: Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia), Lễ hội Đền – Chùa Chi Đông (tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông), Lễ hội chùa Phù Trì (xã Kim Hoa), Lễ hội đền Hồ Đề (thôn Đông Cao, xã Tráng Việt), Lễ hội đền Ả Lư Minh Vương (thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt), Lễ hội Đền Thạch Đà (xã Thạch Đà),....

Trong đó, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được tổ chức với quy mô lớn cùng nhiều hoạt động đặc sắc, ý nghĩa. Năm 2024, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được huyện Mê Linh tổ chức quy mô lớn nhất và mang tính đột phá nhất từ trước đến nay. Tại lễ hội, công tác rước kiệu diễn ra đúng theo kế hoạch đã đề ra, công tác an ninh trật tự được bảo đảm an toàn cho lễ hội.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Âm vang Mê Linh” được tổ chức mở màn vào tối 15/2/2024 (mùng 6 tháng Giêng Âm lịch) và con đường nghệ thuật sáng tạo “Âm vang nguồn cội” kéo dài trong thời gian một tháng đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân và du khách.

Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng

Các đại biểu thực hiện nghi thức dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng

Trung bình mỗi năm, tính đến hết tháng Giêng, khu di tích đón từ 120 nghìn đến 160 nghìn lượt du khách, nhưng năm nay, lượng khách đổ về đây đặc biệt tăng mạnh. Chỉ trong ngày 10 tháng Giêng đã có 350 nghìn lượt khách thập phương đến dâng hương và tham quan tại Di tích Đền Hai Bà Trưng. Riêng ngày mồng 6 tháng giêng có hơn 100 nghìn lượt khách đến tham quan tại Đền Hai Bà Trưng.

Các hoạt động trò chơi, thi đấu thể thao, văn hóa văn nghệ tại đây diễn ra an toàn, lành mạnh đúng quy định.

Các lễ hội còn lại do xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố tổ chức. Trong năm nay sẽ có 27 lễ hội cấp xã đăng ký tổ chức; trong tháng Giêng có một số lễ hội diễn ra, như: Lễ hội Đền - Chùa chi Đông (diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng Giêng), lễ hội Chùa Phù Trì, xã Kim Hoa (từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Giêng), lễ hội Đền Thạch Đà (diễn ra từ ngày 9/10 tháng Giêng)… còn các lễ hội của các đơn vị khác diễn ra rải rác vào các tháng trong năm với quy mô nhỏ, hoặc tổ chức tiệc thường niên).

Trải qua hàng nghìn năm, với bao thăng trầm của lịch sử, các lễ hội vẫn được nhân dân duy trì và phát triển đến ngày nay. Đây vừa là nhu cầu tâm linh, đồng thời là sự hưởng thụ văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc.

Để các lễ hội đảm bảo an toàn, ý nghĩa, UBND huyện Mê Linh đã và đang chỉ đạo các đơn vị, phòng ban liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, thuận lợi, thành công, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến với lễ hội.

Lễ Hội truyền thống trên địa bàn huyện Mê Linh đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân

Lễ Hội truyền thống trên địa bàn huyện Mê Linh đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân

Cụ thể, huyện yêu cầu các lễ hội được tổ chức định kỳ hằng năm phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, có ý nghĩa; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tổ chức lễ hội diễn ra trang nghiêm theo nghi lễ tôn giáo, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời tiết kiệm không lãng phí.

Huyện Mê Linh chỉ đạo các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lẻ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích.

Đảm bảo thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; không để việc tổ chức lễ hội biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn; thực hiện phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình thức.

Phòng Văn hóa và Thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phối hợp với Ban tổ chức lễ hội của địa phương, các cơ quan chức năng, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.

Lễ Hội truyền thống trên địa bàn huyện Mê Linh trong thời gian qua đã góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, bảo tồn và làm sống lại bản sắc, truyền thống văn hoá của các làng xã trong huyện, tạo được sự chuyển biến về nhận thức, đề cao lòng tự tôn dân tộc, là thành luỹ đề kháng văn hoá độc hại, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống mới, đời sống văn hoá ở cơ sở, đưa phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá đến từng thôn, xóm.

Đọc thêm