Vấn đề trên được PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy – Đại học Luật Hà Nội đưa ra tại hội thảo quốc tế: “Pháp luật về sinh kế bền vững và biến đổi khí hậu: Tiếp cận của các quốc gia Châu Á” do Viện Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội và Trung tâm Sáng kiến Châu Á Thái Bình Dương đồng tổ chức ngày 4/6/2019. Tham dự Hội thảo có các diễn giả đến từ Bhutan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Canada, Sri Lanka và Việt Nam.
Theo PGS Duyên Thủy, sự thích ứng của pháp luật bảo vệ rừng nhằm đảm bảo sinh kế hài hòa với thiên nhiên bao gồm: thay đổi cách tiếp cận về bảo vệ rừng; thay đổi quan điểm về sở hữu rừng; thay đổi chính sách giao rừng và luật hóa vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ở khía cạnh thay đổi quan niệm về sở hữu rừng, theo pháp luật hiện hành, rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng thuộc sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Điều này đã được thể hiện trong Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và đây cũng là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được công nhận là một trong 7 chủ rừng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên và góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 Việt Nam có 1.145.601ha rừng do cộng đồng dân cư tham gia quản lý (chiếm gần 8%), trong đó rừng tự nhiên là 1.048.765ha, rừng trồng 96.836ha. Nhưng chỉ có 524.477ha rừng đã có quyết định giao cho trên 10.000 cộng đồng, điều đó cho thấy diện tích rừng mà cộng đồng được thực sự “làm chủ” là còn khá ít so với diện tích họ đang quản lý, càng ít hơn nhiều so với diện tích của các chủ rừng khác.
Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng nhưng không được giao quyền làm chủ, kể cả ở những khu rừng được quản lý theo truyền thống, luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang gây khó khăn cho tổ chức quản lý, phát triển, sử dụng và phục hồi rừng của cộng đồng địa phương, đồng thời là nguy cơ gây mất, suy thoái rừng.