Đảm bảo tính ổn định của tổ chức hành nghề công chứng

(PLVN) - Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 25/10, một số Đại biểu Quốc hội đề nghị kế thừa quy định đang phát huy hiệu quả của Luật Công chứng về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng; đảm bảo tính ổn định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

2 phương án về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng

Mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (VPCC) là nội dung được nhiều Đại biểu cho ý kiến tại phiên họp.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo 2 phương án.

Phương án 1, đa số ý kiến UBTVQH đề nghị bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như Luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Ưu điểm của phương án này là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên (CCV) khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở địa bàn vùng sâu, vùng xa do mô hình này chỉ yêu cầu 1 CCV làm chủ.

Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế là khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng, việc giải quyết hậu quả về hồ sơ, chuyển giao trách nhiệm công chứng… đối với các VPCC theo mô hình doanh nghiệp tư nhân bị giải thể sẽ là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước.

Phương án 2, một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định VPCC được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh do có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của các VPCC, phù hợp với tính chất dịch vụ công chứng là dịch vụ công cơ bản nên cần bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.

Hạn chế của phương án này là VPCC đòi hỏi phải có tối thiểu 2 CCV hợp danh, dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung CCV còn hạn chế, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhu cầu công chứng giao dịch không lớn, khó thu hút CCV thành lập VPCC để thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

UBTVQH đề nghị các Đại biểu QH xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo Phương án 1.

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá, phương án 1 mang tính linh hoạt hơn, cho phép được lập mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, đối với tại các khu vực có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và hoạt động của các VPCC.

Bên cạnh đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập VPCC để bảo đảm khả năng tài chính và chất lượng dịch vụ công chứng; đồng thời, cần quy định cụ thể về nghĩa vụ báo cáo tài chính hàng năm của VPCC để tăng cường tính minh bạch, quy định rõ hơn về việc giám sát hoạt động của VPCC từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn ngừa các trường hợp lạm quyền hoặc sai phạm trong quá trình hành nghề.

Trong khi đó, Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) lại chọn phương án 2 nhằm đảm bảo tính ổn định của tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Dương Văn Phước phát biểu tại phiên họp.

Nêu rõ các yêu cầu như CCV là người có đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm, hành nghề công chứng; đảm bảo tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, tổ chức hành nghề công chứng, CCV phải chịu trách nhiệm lâu dài của hoạt động công chứng, Đại biểu cho rằng, mô hình doanh nghiệp tư nhân do 1 CCV làm chủ sẽ khó đáp ứng được, nhất là xảy ra trường hợp CCV duy nhất chết hoặc vì lý do sức khoẻ, lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng thì không thể đảm bảo hoạt động công chứng liên tục, ổn định.

Ngoài ra, Đại biểu Dương Văn Phước chỉ rõ, việc giải quyết hậu quả về các văn bản công chứng được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân khi chấm dứt hoạt động sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Do đó, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chọn phương án 2 và chỉnh lý các quy định tại một số điều của dự thảo Luật cho phù hợp.

Vẫn theo Đại biểu, tại các địa bàn có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển thường ít phát sinh giao dịch kinh tế và nếu có thì UBND cấp xã có thẩm quyền, trách nhiệm chứng thực các hợp đồng, giao dịch, giấy tờ cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng quan điểm, Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) khẳng định, việc lựa chọn phương án 2 là kế thừa quy định của Luật Công chứng đang phát huy hiệu quả, đảm bảo tính ổn định, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.

“Công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ. Tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng nên trong trường hợp không đảm bảo được yêu cầu này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên trong giao dịch đã được công chứng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội”, Đại biểu nêu rõ.

Đây cũng là phương án được Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương), Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) và một số đại biểu khác lựa chọn.

Đọc thêm