Đậm tính nhân văn hoạt động Trợ giúp pháp lý trong tố tụng

(PLVN) - Một trong những hoạt động nổi bật của công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng là sự tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Nhờ đó, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được bảo đảm, hoạt động tố tụng được khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án để xử lý đúng pháp luật.
Hoạt động trợ giúp pháp lý giúp đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng, người nghèo tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí.
Hoạt động trợ giúp pháp lý giúp đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng, người nghèo tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí.

Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng luôn chú trọng xem xét những người tham gia tố tụng trong vụ án có thuộc diện được TGPL hay không và hướng dẫn họ làm đơn yêu cầu trợ giúp. Khi có đơn yêu cầu của người thuộc diện được TGPL, Trung tâm TGPL ở các địa phương sẽ tiếp cận thông tin, rà soát, kiểm tra và cử trợ giúp viên hoặc luật sư là cộng tác viên vào cuộc. Phần lớn các vụ án hình sự, dân sự được trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia từ giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng cho đến khi xét xử vụ án nên hiệu quả đạt được khá cao. 

Đơn cử như bị cáo SN 1985 (ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một đối tượng được TGPL trong vụ án hình sự. Theo hồ sơ, đối tượng phạm tội “Dâm ô với trẻ em” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) vào tháng 11/2017. Gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, bản thân bị cáo không được học hành, không biết chữ.

Với hành vi “Dâm ô trẻ em”, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị cáo có thể bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan tố tụng xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cùng với sự tham gia trợ giúp của luật sư cộng tác viên Trung tâm TGPL từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử, bị cáo chỉ bị TAND huyện Xuyên Mộc tuyên phạt 10 tháng tù treo và buộc bồi thường cho gia đình bị hại 8 triệu đồng. 

Tương tự, bị cáo SN 1987 (quê Trà Vinh) bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Do mâu thuẫn trong lúc uống rượu và bị nạn nhân đấm vào mặt, bị cáo đã dùng thanh gỗ đánh vào đầu nạn nhân gây thương tích 42%. Bị cáo là người dân tộc Khơme nên thuộc đối tượng được TGPL.

Trong quá trình tố tụng, luật sư cộng tác viên của Trung tâm TGPL bào chữa cho bị cáo đã phân tích các tình tiết giảm nhẹ như: Trình độ văn hóa thấp, không biết chữ, không am hiểu pháp luật, không lường hết được hậu quả mà mình gây ra, phạm tội trong trường hợp bị kích động, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt…

Vì vậy, luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét, áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội. Sau khi xem xét nội dung vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo 5 năm tù. Trong khi đó, nếu áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì trường hợp này có thể bị phạt đến 6 năm tù. 

Một vụ việc khác cũng thể hiện được tính hiệu quả và nhân văn của công tác TGPL trong tố tụng đó là trường hợp của Nguyễn Tiến Đồng (SN 2000, ở Vĩnh Phúc). Do lòng tham, Đồng đã lấy trộm 22 triệu đồng của bà Đỗ Thị Tụ là người cùng xã. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Đồng phạm tội “Trộm cắp tài sản”, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Song, nhờ sự vào cuộc của trợ giúp viên pháp lý ngay từ quá trình điều tra đến xét xử, Đồng đã được giảm mức án đáng kể. Tại phiên tòa, trợ giúp viên đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Tại thời điểm xét xử, Đồng chưa đủ 18 tuổi; bị cáo chưa có tiền án tiền sự; quá trình điều tra, Đồng biết ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình; gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ số tiền cho người bị hại; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo… Từ các lập luận và căn cứ pháp lý thuyết phục, trợ giúp viên pháp lý đã bào chữa thành công, Đồng được giảm nhẹ mức án còn 9 tháng tù, hưởng án treo. 

Đó chỉ là ba trong số rất nhiều vụ việc được các trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên pháp lý đã tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng thành công. Sự tham gia bào chữa, bảo vệ của các trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên pháp lý trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính đã góp phần giúp HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Đồng thời, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người không có đủ điều kiện mời luật sư bào chữa hoặc không đủ khả năng tự bào chữa.

Qua đó, thể hiện chính sách mang đậm tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, người có công với cách mạng, người nghèo; giúp họ được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà không phải mất bất cứ chi phí nào và có cơ hội sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, công tác phối hợp trong hoạt động TGPL của các cơ quan liên quan trong hoạt động tố tụng chưa chặt chẽ, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Công tác truyền thông về hoạt động TGPL chưa được chú trọng; đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL còn mỏng; kinh phí đầu tư cho hoạt động TGPL còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả TGPL trong hoạt động tố tụng, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 và tổ chức sơ kết thực hiện Đề án này. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Luật TGPL, nhất là những đối tượng được TGPL. 

Cùng với đó, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát về chất lượng các vụ việc được TGPL. Bên cạnh đó, mỗi trợ giúp viên pháp lý cần thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để ngày càng có nhiều người nghèo, đối tượng chính sách được hưởng lợi từ công tác TGPL. 

Đọc thêm