Nêu mục đích của hội thảo là nhằm hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng trong vòng chưa đầy 1 tháng nữa (tháng 5/2019), ông Đồng Ngọc Ba-Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hệ thống hóa, bên cạnh công tác kiểm tra, rà soát, pháp điển hóa, trong việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, hiện nay để có thể cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật thì khi tiếp cận hệ thống pháp luật, tổ chức, cá nhân phải thấy đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Theo đó, có lẽ không công cụ nào bài bản như công cụ hệ thống hóa. Đơn cử, việc pháp điển hóa quy phạm pháp luật mà xong cũng mới tập trung vào văn bản Trung ương, còn hệ thống hóa bao trùm toàn bộ các văn bản trong cả nước và được thực hiện 5 năm/lần.
Nhận định về kết quả hệ thống hóa kỳ 2, Cục trưởng cho hay, các bộ, ngành, địa phương cơ bản làm tốt, nghiêm túc, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt, được phản ánh trong dự thảo Báo cáo. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương không kịp thời cập nhật văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia pháp luật để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa.
Theo dự thảo Báo cáo, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả của 14/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, so với Kế hoạch số 126 của Thủ tướng Chính phủ, việc gửi báo cáo kết quả là chậm vì phải được hoàn thành trong tháng 3/2019.
Cũng theo Kế hoạch số 126, việc công bố kết quả được thực hiện chậm nhất ngày 30/1/2019 đối với văn bản ở Trung ương và ngày 1/3/2019 với văn bản của HĐND, UBND các cấp. Theo đó, có 6 bộ, ngành và 12 địa phương công bố kết quả không đúng thời hạn; 8 bộ, ngành và 8 địa phương chưa thực hiện công bố kết quả.
Tham dự Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cập nhật kết quả, tình hình thực hiện, có đại biểu nghiêm túc thừa nhận đã chậm báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc đã được thẳng thắn nêu lên như văn bản liên tịch mà bộ, ngành giữ vai trò tham gia thì không rõ có được bộ, ngành chủ trì hệ thống hóa; cách xác định thời điểm hết hiệu lực của văn bản còn khác nhau... Chưa kể một số văn bản như của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... lại thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, đòi hỏi phải phân loại thận trọng.