Dán cảnh báo “Buôn lậu thuốc lá: Phạt tù tới 15 năm” tại 17 tỉnh thành

(PLO) - Các áp phích cảnh báo nói trên được dán tại các khu công cộng, nhà hàng, quán bar, đại lý, tủ thuốc…tại 17 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp.
Dán cảnh báo “Buôn lậu thuốc lá: Phạt tù tới 15 năm” tại 17 tỉnh thành
Nội dung áp phích cảnh báo người dân nếu vi phạm trong việc buôn bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu sẽ bị phạt tù tới 15 năm. Căn cứ vào Nghị định 43/2009/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BYT-TANDCT-VKSNDTC của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, thuốc lá nhập lậu trong đó có Jet, Hero… được coi là hàng cấm. Theo đó, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ từ 1.500 gói đến dưới 4.500 gói thuốc lá nhập lậu sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; từ 4.500 gói đến dưới 13.500 gói bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù 3-7 năm; từ 13.500 gói trở lên bị phạt tù 7-15 năm.
Năm 2014, Cục Quản lý Thị trường đã đưa mặt hàng thuốc lá vào một trong những mặt hàng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời tổ chức tháng cao điểm kiểm tra (từ 1/4 đến 30/6/2014).
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, gần 100 đối tượng buôn lậu thuốc lá đã bị xử lý hình sự và bị phạt tù. “Trong thời gian tới, Cục Quản lý Thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường việc kiểm soát thị trường nội địa. Rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, các điểm tập kết, cất giữ, bán buôn thuốc lá nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá. Xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, kém chất lượng. Tổ chức kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tập trung vào những đối tượng đầu nậu, những đường dây vận chuyển, điểm cất giữ, bán buôn, phát luồng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu”, ông Lam nhấn mạnh.
Việc dán áp phích cảnh báo nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật cho người dân tại các vùng tiêu thụ nhiều thuốc lá nhập lậu.
Việc dán áp phích cảnh báo nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật cho người dân tại các vùng tiêu thụ nhiều thuốc lá nhập lậu.
Các chi cục Quản lý Thị trường các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh lân cận trên tuyến đường về TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, chú trọng các địa bàn giáp ranh liên huyện liên tỉnh nhằm ngăn chặn việc buôn lậu, cất giữ và vận chuyển thuốc lá nhập lậu vào nội địa. Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn lập chốt kiểm tra lưu động tại các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các xã, phường (đặc biệt là xã biên giới) để nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm tình trạng mang vác, vận chuyển thuê thuốc lá nhập lậu.
Theo tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2013, thuốc lá nhập lậu lấy đi 20% thị phần thuốc lá điếu nội địa, làm thất thu ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu đô la Mỹ. Làm mất sản lượng nguyên liệu: 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta); mất việc làm của nông dân: 5 triệu công lao động/năm; mất việc làm của công nhân: 600.000 công lao động/năm; và hàng trăm nghìn lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thuốc lá còn gây ra những vấn đề xã hội như mất trật tự trị an tại khu vực vùng biên và an ninh công cộng; đặc biệt là thường xuyên gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng người dân…

Đọc thêm