Dân mạng xôn xao về đề xuất hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội

Theo Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội", năm 2021 bắt đầu hạn chế hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô từ 7h đến 19h hằng ngày. Thông tin được báo chí đăng tải lập tức nhận nhiều ý kiến của "cư dân mạng".
Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Lộ trình hạn chế xe máy vào Hà Nội được đề xuất theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. 

Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ. Và giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Bên cạnh đó, ô tô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí. Hà Nội sẽ dừng cấp phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ôtô, xe máy tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) và tăng phí trông giữ ôtô, xe máy tại khu vực trung tâm, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân.  

Thành phố Hà Nội sẽ bố trí các điểm trung chuyển, điểm đỗ xe và các phương tiện công cộng nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống vận tải hành khách công cộng vào trung tâm thành phố.

Sở Giao thông đặt lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, đầu tư mới 500-550 xe buýt mỗi năm (gồm cả mini buýt). 

Mạng lưới xe buýt nhanh BRT đến năm 2020 sẽ có 3 tuyến là Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 14km; tuyến đi theo vành đai 3 Mai Dịch - Dương Xá dài 25km; tuyến đi theo vành đai 2,5 và quốc lộ 5 kéo dài 54km.

Đường sắt đô thị sẽ hoàn thành 5 tuyến, gồm tuyến số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến số 2A đoạn Cát Linh - Hà Đông; tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến số 5 đoạn Văn Cao – vành đai 4.

Đề án do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Viện chiến lược phát triển GTVT (Bộ GTVT) soạn thảo, đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia.

Thông tin về Đề án được báo chí đăng tải lập tức nhận các luồng ý kiến khác nhau từ "cư dân mạng".

Nhiều người tỏ ra đồng tình, ủng hộ dự thảo quy định mới trên: "Tôi đề nghị cấm hết xe máy. Tăng cường xe bus. Lúc đó ai cũng công bằng như nhau, sẽ sắp xếp được phương tiện di chuyển"; "Tôi ủng hộ Hà Nội bước 1 cấm xe máy tại 4 quận trung tâm, bước 2 cấm toàn bộ xe máy và có lộ trình cụ thể để dân biết và có điều kiện cho các cơ quan xắp xếp lại nơi làm việc cũng như tổ chức phương án vận chuyển, giao thông"; "Rất ủng hộ. Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà chỉ cách cơ quan 4 km nhưng hôm nào cũng khổ sở lết gần 1 tiếng trên đường, ngày nào cũng tắc, nhìn thử xung quanh thì trong 10 xe máy có ít nhất 5 xe ngoại tỉnh"; "Nên cấm hết xe ngoại tỉnh ngay từ năm 2017-2018. Quá nhiều rồi. Đi lại quá kinh khủng"; "Ủng hộ cấm xe máy vì đây mới chính là nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông và gia tăng tai nạn do ý thức rất kém"; "Mình thấy thực sự cần cấm giảm dần phương tiện cá nhân lưu thông. Phát triển các dịch vụ vận chuyển công, chất lượng và mức phí thu cần phù hợp. Đi bộ nhiều vừa tăng cường sức khỏe luôn. Việc giảm xe máy là rất rất nhiều quốc gia thực hiện và từ phản đối, người dân đã thấy chính sách này đúng"...

Tuy nhiên, rất đông ý kiến khác lại phản đối, cho rằng dự thảo quy định mới chưa hợp lý, không phù hợp với cơ sở hạ tầng và thói quen tham gia giao thông ở Hà Nội. Các ý kiến này nghi ngờ tính khả thi nếu Đề án được thông qua: "Đã cấm xe cá nhân thì nên cấm hết, sao lại chỉ cấm xe ngoại tỉnh và vành đai 1, trường hợp người đang sống trong khu vực vành đai một mà sử dụng xe ngoại tỉnh để đi lại khác gì người đó sử dụng xe biển Hà Nội?"; "Việc cấm xe ngoại tỉnh vào trong TT thành phố chỉ là bề nổi thôi!"; "Tôi sống ở ngoại tỉnh và làm việc tại nội đô, hàng ngày vẫn đi làm, bây giờ cấm như vậy tính làm sao?", "Với việc tắc đường, chất lượng phục vụ và luôn trễ giờ như xe bus thì việc triển khai xe bus thay xe cá nhân không khả thi. Có chăng thì cần làn riêng cho xe bus mới mong mọi người bỏ xe cá nhân đi xe bus được"; "Yếu tố thuận tiện phải đặt lên hàng đầu sau đó mới bàn đến chuyện cấm, vậy HN đã có phương án tối ưu nào để người dân thuận lợi trong vấn đề đi lại chưa?"; "Cấm xe máy ngoại tỉnh sẽ gây khó khăn cho sinh viên các tỉnh khác mang xe nhà lên phục vụ việc học tập và sinh hoạt..."; "Ô tô chính là nguyên nhân gây ùn tắc đường. Đường thì bé mà lắm xe to... Xe máy linh hoạt phù hợp với đường phố, ngõ ngách Việt Nam"...

Một số ý kiến khác lo ngại tiêu cực phát sinh nếu cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội.

Đọc thêm