Dân số Việt Nam già nhanh nhất thế giới

(PLO) - Tại hội thảo “Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi”, do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Việt Nam là một trong những nước đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần
Người cao tuổi cần được chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần

Già hóa dân số với tốc độ “phi mã”

Theo nhận định của Liên hiệp quốc, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2035 (trên 20% dân số là người cao tuổi).

Điều đáng chú ý là thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của Việt Nam ước tính là 23 năm, nhanh hơn rất nhiều nước có trình độ phát triển khác như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm)…

Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hầu hết họ đều gặp khó khăn về cuộc sống và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải tự lao động, bươn chải vất vả trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

Đặc biệt, xu hướng quy mô gia đình truyền thống ở Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân, khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn hơn, gặp nhiều khó khăn khi phải tự sống một mình. Chưa kể đến một bộ phận người Việt trẻ ngày nay coi các cụ già là gánh nặng kinh tế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách và các quyền cơ bản của người già.

Về việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam, các đại biểu nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn làm chậm lại quá trình già hóa dân số; duy trì mức sinh hợp lý; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông giáo dục, vận động về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi; tăng cường hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi...

Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế của người cao tuổi về khả năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc của người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi tiêu biểu, uy tín trong gia đình và trong xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, giảng dạy...

Trung bình mỗi cụ mắc 6 - 7 bệnh

Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật lại ngày càng đè nặng lên sức khỏe của họ với 95% người cao tuổi mang các bệnh mãn tính. Đó là nguyên nhân chính gây tàn phế và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, điều tra về thực trạng sức khỏe người cao tuổi mới nhất của Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bộ môn Y học gia đình, ĐH Y Hà Nội cho thấy, trung bình một cụ (từ 80 tuổi trở lên) mắc từ 6 - 7 bệnh.

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi là: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, thoái khớp … Nhiều bệnh mãn tính có thể làm giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tiền bạc tài sản của người già.

Theo GS.TS Phạm Thắng, vì người cao tuổi mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng thường không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị. Do vậy, cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị thường khó và có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi khác.

Hội thảo “Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Hà Nội”
Hội thảo “Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Hà Nội”

Thống kê cho thấy, người cao tuổi là nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất. Ước tính chi phí y tế ở người già thường cao gấp 7 - 10 lần người trẻ; mặc dù hiện chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng nhóm tuổi này sử dụng hơn 50% tổng lượng thuốc của toàn xã hội. Trong khi theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới thì việc đáp ứng chăm sóc cho người cao tuổi tại Việt Nam còn rất hạn chế. 

Thực tế hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vẫn mang tính tự phát, chủ yếu do các gia đình tự chăm sóc, do đó chất lượng quản lý, chăm sóc người cao tuổi chưa cao. Người cao tuổi ở nước ta vẫn chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ. Vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế chăm sóc riêng cho người cao tuổi hiện chưa đồng bộ ở các tuyến. Trang thiết bị còn thiếu; đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo chuyên sâu để điều trị và chăm sóc cho người cao tuổi còn mỏng. Đến nay, cả nước mới chỉ có 36% số bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Lão, nhưng chủ yếu là hoạt động ghép với các chuyên khoa khác như: thận, tim mạch, nội...

Tăng cường năng lực của hệ thống Lão khoa

Thời gian gần đây, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lập kế hoạch tổng thể tăng cường năng lực của hệ thống Lão khoa, hướng tới chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại bệnh viện. Đặc biệt, Bộ Y tế đang nghiên cứu cơ chế tài chính hỗ trợ việc điều trị cho người cao tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, người cao tuổi có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư trẻ tuổi cho nên ngành y tế cũng cần có sự chuẩn bị cũng như kế hoạch đầu tư cho nhân lực, vật lực kịp thời.

“Chiến lược mà Bộ Y tế hướng tới là tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ y tế cho người cao tuổi tại tuyến y tế cơ sở, kết hợp lồng ghép với mô hình Bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời khuyến khích các thành phần xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm tạo thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc người cao tuổi”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.

Riêng về vấn đề đẩy mạnh đào tạo nhân lực và thành lập các Khoa lão tại các bệnh viện để điều trị và chăm sóc cho các đối tượng cao tuổi mắc nhiều bệnh lý phức tạp cùng một lúc, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho hay, ngày 15/10/2011, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 35, về hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Theo đó, các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có trách nhiệm: Tổ chức khoa Lão hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi; phục hồi sức khỏe cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình...

 “Việc phát triển hệ thống Lão khoa trong cả nước cần được triển khai ngay từ bây giờ, nhằm tránh tình trạng quá tải như đã xảy ra hiện nay với các chuyên khoa ung bướu, sản, nhi và chấn thương, chỉnh hình... Tuy nhiên, tiến độ thành lập các khoa Lão tại các bệnh viện còn liên quan đến sự “vào cuộc” đôn đốc, hỗ trợ của các địa phương”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết.

Đánh giá về hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Thủ đô, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện nay thành phố có 41 Bệnh viện đa khoa chuyên khoa và 26 Bệnh viện ngoài công lập. Trong đó, chỉ có 5 bệnh viện có chuyên khoa Lão gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện đa khoa Đống Đa (mới thành lập chuyên khoa lão).

Với 40 giường bệnh thuộc chuyên khoa Lão, khi đi vào hoạt động, Bệnh viện đa khoa Đống Đa kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao số lượng bệnh nhân là người cao tuổi được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương trong điều trị và thăm khám bệnh nhân.

“Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác khám, chữa bệnh cho đối tượng người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu do số bệnh viện có khoa lão ít; thiếu cán bộ đào tạo chuyên về Lão khoa và công tác quản lý sức khỏe cho người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Lão khoa sẽ là một trong năm chuyên khoa sẽ được ngành y tế Hà Nội ưu tiên phát triển trong thời gian tới”, ông Nguyễn Khắc Hiền cho hay.

Đọc thêm