Lối về rộng mở cho những người hướng thiện

(PLO) - Lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015, chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện khi được thực hiện sẽ góp phần thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Nhà nước trong pháp luật hình sự, tạo điều kiện cho những người đang chấp hành bản án tại các trại giam sớm được hòa nhập cộng đồng, sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời khi đã “ăn năn, hối cải”.
Trao quyết định đặc xá tha tù cho phạm nhân
Trao quyết định đặc xá tha tù cho phạm nhân

Tội phạm phức tạp, áp lực cho cơ sở giam giữ

Theo báo cáo tóm tắt tình hình và kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo 138 vừa diễn ra, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 26.833 vụ phạm pháp hình sự, giảm 4,66% so với cùng kỳ năm 2015. 

Mặc dù vậy, tình hình an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 21.055 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỉ lệ 78,47%. Trong đó có 153 vụ, bắt 202 đối tượng phạm tội mua bán người. Phát hiện 9.441 vụ, 8.631 đối tượng phạm tội về kinh tế (nhiều hơn 20,96% số vụ và 16% số đối tượng); 123 vụ phạm tội về tham nhũng (nhiều hơn 7,8%), xử lý 178 đối tượng.

Phát hiện 8.881 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, với 1.105 tổ chức và 7.896 cá nhân vi phạm. Bắt giữ 9.760 vụ, 14.890 đối tượng phạm tội về ma tuý (tăng 32,9% so với cùng kỳ về số vụ và 27,9% về số đối tượng).

Những nỗ lực của các lực lượng chức năng đã “kéo giảm tội phạm, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường lành mạnh, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” như nhận xét của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng BCĐ 138/CP.

Cùng với đó, số lượng phạm nhân được bổ sung vào các cơ sở giam giữ cũng tăng. Từ năm 2008 đến năm 2015, bình quân hàng năm, số lượng người có án phạt tù tăng khoảng 10-12% tùy theo tình hình tội phạm và kết quả xử lý của các cơ quan chức năng.

Nhưng theo các chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, hàng năm, vào mỗi dịp lễ đặc biệt của đất nước, dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch nước sẽ quyết định đặc xá cho hàng chục nghìn tù nhân trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương sau khi đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng các điều kiện đặc xá, tha tù trước thời hạn của họ.

Rút ngắn thời hạn phải chấp hành hình phạt

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một trong những giải pháp để rút ngắn thời hạn phải chấp hành hình phạt trong trại giam của người phạm tội, bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, giúp họ sớm phục thiện, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, cơ quan, đoàn thể xã hội. Đồng thời, cũng giúp giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ trong việc tăng cường hơn nữa chất lượng công tác cải tạo, giam giữ.

Thực tế, Bộ luật Hình sự 2010 cũng đã quy định một số giải pháp rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt đối với người chưa chấp hành hình phạt tù trong trại giam, đó là những quy định về miễn, giảm hình phạt nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội bị kết án phạt tù nhanh chóng trở về với xã hội.

Điều kiện về miễn chấp hành hình phạt tù đối với người phạm tội nhìn chung dựa trên ba tiêu chí là thời gian thực sự chấp hành hình phạt, thái độ cải tạo phục hồi (như lập công, có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, xếp loại cải tạo) và lý do nhân đạo (như mắc bệnh hiểm nghèo). Việc áp dụng những quy định này trong thực tiễn đã góp phần đáng kể vào việc động viên người bị kết án yên tâm cải tạo, tích cực sửa chữa lỗi lầm để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Nhưng qua thực tiễn thi hành, ở góc độ khoa học pháp lý, một số chuyên gia vẫn nhận thấy, những quy định này đôi khi còn chưa đáp ứng được đầy đủ mục đích giáo dục, răn đe, còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung vào đối tượng lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và về nguyên tắc, đặc xá chỉ được tiến hành trong những dịp đặc biệt chứ không mang tính chất thường xuyên.

Do vậy, các chuyên gia này cho rằng, áp dụng việc tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ khắc phục được những bất cập của quy định pháp luật hiện hành, vừa đáp ứng được mục tiêu cao nhất mà Đảng và Nhà nước ta đề ra là bảo đảm hiệu quả thực sự và lâu dài của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Với Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện vừa được ban hành, cơ hội để những người đang chấp hành bản án sớm được xem xét trả tự do, hòa nhập cộng đồng sẽ được thực hiện thường xuyên, hàng quý (3 tháng/lần) cho người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện: Phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Đề án cũng quy định cụ thể về các điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như những trường hợp không được áp dụng quy định này.

Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu để thực hiện chức năng kiểm sát, đồng thời chuyển hồ sơ đến Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù để xem xét trước khi mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Căn cứ kết quả xét, đề nghị, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát, đồng thời chuyển hồ sơ đến Toà án nhân dân cấp tỉnh để xem xét trước khi mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. 

Dự kiến sau 2 năm thực hiện Đề án (đến năm 2018), sẽ có khoảng gần 20.000 người được tha tù trước hạn có điều kiện. Việc thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện ước tính sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 200 tỷ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ (tính theo tỷ lệ một cán bộ/6 phạm nhân). Với số lượng người được tha tù trước thời hạn có điều kiện dự kiến như trên, thì trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã quản lý từ 02 - 03 người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Đọc thêm