Những phóng viên trẻ được giao theo lĩnh vực Tư pháp chủ yếu là “dân” học báo chí ra với hiểu biết về lĩnh vực này gần như là con số 0. Vì thế, viết bài vừa đúng vừa hay như một thử thách không nhỏ, đó là chưa nói đến việc người ta vẫn coi tư pháp là lĩnh vực “khô và khó”. Chẳng hạn như thế nào là “án ma túy”, “án tồn đọng”, án không có điều kiện thi hành. Ngồi hội nghị và nghe khái niệm sẽ không thể hình dung nổi. Nhưng cái mới quả có sức hút rất kỳ lạ. Và thế là thôi thúc xách ba lô lên đường.
Tôi đã từng cùng các Chấp hành viên của huyện Thuận Châu, Sơn La dành nhiều ngày băng rừng thâm nhập vào một “bản ma túy” của xã Tông Lệnh. Nơi đó, có biết bao nhiêu mái nhà không có người đàn ông vì thời điểm đó (năm 2003) gần như họ đều thụ án trong trại vì ma túy. Nhưng người chấp hành án xong trở về thì nghiện hút, không nhà cửa, không thu nhập, cuộc sống chênh vênh bữa đói bữa no. Vậy mà họ vẫn “cõng” trên lưng số tiền thi hành án ít nhất 20 triệu đồng (theo quy định của Bộ luật hình sự lúc bấy giờ). Tận mắt chứng kiến những gia cảnh ấy, lần đầu tiên tôi hiểu tường tận thế nào là “án tồn đọng” và những gian khổ của các chấp hành viên khi biết chắc rằng số tiền nói trên sẽ là khoản nợ vĩnh viễn khó đòi, nhưng cứ định kỳ hàng quý họ lại phải vào bản xác minh. Biết bao thời gian, chi phí, công sức cho những chuyến đi ấy nhưng kết quả vẫn là những tập hồ sơ ngày càng dày lên trong tủ.
Miền núi có cái khổ của án ma túy, của nghiện hút và những mái nhà tan hoang thì nơi đảo xa công tác Thi hành án dân sự cũng không ít gian nan. Những năm 1999, 2000, mỗi tuần muốn ra được huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chỉ có hai chuyến tàu bưu điện, chưa kể những ngày biển động mọi liên lạc đều bị cắt đứt. “Cắm” trên huyện đảo ngày ấy là ba chàng trai rất trẻ được Phòng Thi hành án Quảng Ninh (lúc bấy giờ các Cục THADS vẫn là Phòng THA) biệt phái. Cuộc sống của họ trên đảo đúng nghĩa nơi đầu sóng ngọn gió với sự dè sẻn từng cọng rau xanh, từng ca nước ngọt và nỗi nhớ cách biệt đất liền. Đặc biệt là câu chuyện đi thi hành án thì “khổ trăm bề” dù số lượng án không nhiều. Do đặc thù của người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề biển nên để thi hành một bản án có khi giá trị rất nhỏ cũng phải chầu chực, từ đảo nọ đến đảo kia mất cả tuần. Đi tống đạt văn bản giấy tờ thì cứ chia nhau, còn cưỡng chế thi hành án thì gần như không thể vì các điều kiện bảo đảm an toàn quá khó khăn. Ngày ấy những phóng viên trẻ như chúng tôi cũng đã từng nếm trải cái cảm giác bị mắc kẹt lại trên những hòn đảo nhỏ khi cố theo chân các thư ký, chấp hành viên đi thi hành án giữa mùa bão biển…Bây giờ, các chàng trai biệt phái ra Cô Tô ngày đó đã giữ những vị trí chủ chốt của các cơ quan THADS Quảng Ninh nhưng chắc chắn thời gian trên đảo sẽ là những trải nghiệm về nghề rất đáng nhớ.
Tổng biên tập Đào Văn Hội, Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến tặng căn nhà tình nghĩa cho cán bộ Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh, Hướng Hóa, Quảng Trị. |
Ở vùng cao, việc đi đăng ký khai sinh khai tử cho bà con dân bản là hết sức khó khăn. Tôi còn nhớ chuyến đi với cán bộ Hạng A Sèo ở xã Sa Pả trong những cơn mưa thối đất của vùng cao. A Sèo khi ấy còn rất trẻ, là một trong những cán bộ tư pháp xã hộ tịch được địa phương cử đi đào tạo ở miền xuôi. Là người sinh ra ở Lào Cai nên A Sèo rất hiểu phong tục tập quán của người Sa Pả. Tuy nhiên, ở vùng cao bà con đi làm nương vài ngày mới về nhà một lần, A Sèo đến không gặp, mang cơm nắm, ngô luộc ra ăn, tự hái lá rừng nằm ngủ đợi người dân về…mãi thành quen. Yêu nghề tư pháp nên nhiều năm A Sèo làm cán bộ hộ tịch dù chính sách ở địa phương rất thuận lợi để A Sèo phát triển.
Công tác tư pháp nếu yêu nghề, chịu khó tìm hiểu và đi đến tận cùng thì mới thấy nó vô cùng sinh động, liên quan sát sườn đến cuộc sống của người dân, từ những chuyện thi hành án, tuyên truyền pháp luật, chuyện khai sinh, khai tử kết hôn, cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp…đều cần sự lăn xả của cán bộ tư pháp cơ sở. Dân không đến thì cán bộ phải đi. Khó mà nói hết khó khăn của cán bộ tư pháp khi đi vận động người dân chấp hành pháp luật ở những vùng biên giới, hải đảo, những nơi giao thông cách trở. Cán bộ Tư pháp coi đó là công việc hàng ngày và vui trong niềm vui của người dân khi họ được cầm trên tay một tờ giấy đăng ký kết hôn, một giấy khai sinh – giấy thông hành vào đời hay một quyết định cho nhập quốc tịch…
Mang trong mình “lửa nghề” cùng tình yêu gắn bó với công tác tư pháp, hạnh phúc của những người làm Báo Pháp luật Việt Nam theo lĩnh vực hoạt động của ngành là được đi, được viết, được đem đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về cuộc sống, về công tác tư pháp với từng người dân. Trên đôi vai tuổi 34 đang độ chín, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ tiếp tục sứ mệnh truyền thông cho Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời khẳng định luôn là tờ báo số một trong khối nội chính.