Trên 120 ngàn vụ việc hòa giải thành mỗi năm
Dân vận được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau, và hoạt động hòa giải ở cơ sở được coi là một bộ phận, một phương thức của công tác dân vận. Dân vận và hòa giải ở cơ sở có cùng ý nghĩa, mục đích duy trì, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy sức mạnh to lớn, quyền làm chủ, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Kết quả công tác hòa giải là một phần của kết quả công tác dân vận.
Công tác hòa giải ở cơ sở đã được lồng ghép công tác dân vận với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ. Nghị quyết số 25-NQ/TW đã nêu rõ, cần “tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu tố của dân. Làm tốt công tác thanh tra nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động nắm tình hình và giải quyết những công việc liên quan đến đời sống của nhân dân”.
Kết luận số 43-KL/TW cũng nhấn mạnh: “Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tập trung xử lý khẩn trương, dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, tránh để hình thành lan rộng các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội”.
Đây là những cơ sở quan trọng giúp hoạt động hòa giải ở cơ sở được chú trọng hơn trên cơ sở lồng ghép công tác dân vận và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, cơ quan dân vận. Thực hiện hoạt động hòa giải chính là thực hiện kỹ năng dân vận khéo để làm gia tăng hiệu quả một cách thiết thực, toàn diện hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Cùng với MTTQ, ngành Tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở cũng đã triển khai tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước có khoảng hơn 96 ngàn tổ chức hòa giải được thành lập ở thôn bản, tổ dân phố với hơn 600 ngàn hòa giải viên, số lượng được củng cố, kiện toàn, chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ được nâng cao đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải cơ sở. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải cơ sở cả nước đã tiến hành hòa giải trên 140 ngàn vụ việc và hòa giải thành trên 120 ngàn vụ việc.
Giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở
Qua hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác này đã đi vào nề nếp, hiệu quả, khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Không chỉ góp phần hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, hoạt động hòa giải còn giúp tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở; tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tăng cường các biện pháp truyền thông theo hướng “toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở” theo Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cần được triển khai thực hiện có sự gắn kết chặt chẽ với công tác dân vận; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn, đồng thời, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm có trình độ, từng bước chuyên nghiệp hóa...
Cùng với đó, ngành Tư pháp cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ban Dân vận TW, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban TW MTTQ và các tổ chức thành viên trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đồng thời đề nghị TANDTC phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 62/CTPH-TANDTC-BTP ngày 08/4/2019 của TANDTC và Bộ Tư pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019-2023...