Tiếp tục phiên chất vấn Thống đốc NHNN, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, sáng nay, 17/11, ông nhận được ý kiến của nhiều cử tri về thông báo của Thanh tra Chính phủ số 2214 ngày 31/8/2017 về thanh tra công tác kiểm tra, giám sát của NHNN.
Theo thông báo này, “không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm và chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả”.
Thông báo này cũng nói rằng, NHNN chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thống đốc NHNN cho kiểm tra và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
"Từ tháng 8 đến nay, Thống đốc NHNN đã xử lý việc này như thế nào?", Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo. NHNN đang tiến hành thực hiện công tác kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan thuộc NHNN ở cơ quan thanh tra giám sát theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
“Trên cơ sở kết quả báo cáo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan của cơ quan thanh tra, giám sát, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ hướng xử lý trong thời gian tới, khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo với đại biểu về kết quả xử lý”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, về xử lý tình trạng sở hữu chéo ngân hàng thương mại, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm, giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, sáp nhập, thoái vốn các tổ chức tín dụng.
Đến nay, tình trạng sở hữu cổ phần chéo giải quyết cơ bản của ngân hàng minh bạch hơn. Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối ngân hàng đã được nhận diện và xử lý kiểm soát một bước quan trọng. Nhóm chi phối ngân hàng đã giảm mạnh. Cho đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 50% cổ phần tại ngân hàng thương mại cổ phần. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012 hiện nay chỉ còn 2 cặp…
Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua cho thấy, sở hữu chéo là một vấn đề phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Thực tế này đòi hỏi phải thanh tra, kiểm tra, giám sát thì cơ quan chức năng mới phát hiện được vi phạm. Việc xử lý sở hữu chéo cũng đã được xử lý một bước nhưng vẫn còn tồn tại.
Nguyên nhân là do: Việc thoái vốn của các cổ đông thời gian qua còn khó khăn bởi chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đó. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước. Việc thoái vốn có liên quan đến điều kiện thị trường của hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng có khó khăn nên cản trở tiến độ thoái vốn.
Để khắc phục tình trạng sở hữu chéo, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đang trình Quốc hội đã có quy định để tạo cơ sở xác định cổ đông đích thực và cổ đông hưởng lợi cuối cùng và tăng cường trách nhiệm của NHNN trong việc kiểm soát các cổ đông.
NHNN cũng sẽ tập trung rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên… theo hướng chặt chẽ hơn; sửa đổi giới hạn sở hữu cổ phần, cổ đông tại các tổ chức tín dụng cổ phần; hạn chế sự thao túng của các tổ chức tín dụng có các cổ đông chi phối, bổ sung quy định về góp vốn và mua cổ phần các tổ chức tín dụng. Nếu dự thảo luật này được Quốc hội thông qua thì việc sở hữu chéo sẽ được xử lý một cách triệt để.