Sau quá trình nhiều năm cố gắng, nỗ lực, chủ động nghiên cứu, đề xuất, áp dụng các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển), đến nay thực tế đã chứng minh, việc cung cấp dịch vụ công tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), là dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên và duy nhất của Bộ Tư pháp, mang lại hiệu quả, tác động tích cực đáng ghi nhận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau 20 năm, khối lượng công việc được giải quyết tăng gấp 273 lần
Kể từ khi triển khai công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm (BPBĐ) bằng động sản tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản; cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu và tài khoản đăng ký trực tuyến theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các bộ, cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã góp phần tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, về cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trong phạm vi của Bộ Tư pháp nói riêng, của Chính phủ nói chung.
Song song với đó, thực hiện công cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc, triệt để cả về thể chế, cơ sở vật chất, phương thức và nhân sự quản lý, Cục Đăng ký luôn thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao. Ngay từ những ngày đầu thành lập đến trước năm 2012, Cục Đăng ký đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng phần mềm đăng ký giao dịch bảo đảm và thực hiện hiệu quả việc ứng dụng phần mềm này tại các Trung tâm Đăng ký (Hà Nội năm 2002, TP Hồ Chí Minh năm 2002, TP Đà Nẵng năm 2004).
Giai đoạn từ ngày 19/3/2012 đến ngày 10/7/2017, Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển) ở mức độ 3 đã chính thức được vận hành để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Giai đoạn từ ngày 10/7/2017 đến nay, Cục Đăng ký chính thức vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến ở mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến (mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công của Chính phủ). Đồng thời, năm 2020, Cục Đăng ký đã phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiện việc kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ lên Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với việc triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến về BPBĐ, các tổ chức, cá nhân trong xã hội khi nhận bảo đảm bằng tài sản hoặc nhận chuyển nhượng (mua) tài sản thì có thể dễ dàng tra cứu thông tin về việc tài sản đang được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ khác và biết được ai là người nhận bảo đảm đối với tài sản đó. Để có được thông tin, các tổ chức, cá nhân không phải trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký để tra cứu thông tin về tài sản. Việc tra cứu dữ liệu thông tin được thực hiện hoàn toàn qua mạng Internet, thủ tục tra cứu thông tin đã được đơn giản hóa, thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và không làm phát sinh sự nhũng nhiễu, tiêu cực từ phía các cơ quan nhà nước.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển) tại các Trung tâm Đăng ký không ngừng lớn mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng Phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ tại các Trung tâm Đăng ký có sự phát triển, tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tăng mạnh từ năm 2012 khi Hệ thống đăng ký trực tuyến được đưa vào sử dụng và có bước tăng trưởng vượt bậc từ sau khi Hệ thống đăng ký trực tuyến được nâng cấp, hoàn thiện lên mức độ 4, tốc độ tăng trưởng trung bình qua các năm tăng 145%, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 45%.
Hiện tại, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đã chiếm 81% trên tổng số yêu cầu đăng ký, cung cấp cấp thông tin về BPBĐ bằng động sản. Minh chứng rõ nét nhất là việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến về của Cục Đăng ký được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tư pháp vào năm 2012 và năm 2017; đây cũng là dịch vụ công mức độ 4 đầu tiên và duy nhất của Bộ Tư pháp cho đến thời điểm hiện nay.
Người dân làm thủ tục đăng ký đất đai. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, chỉ số phát triển khối lượng công việc được các Trung tâm Đăng ký giải quyết ngày càng tăng cao, sau 5 năm đã tăng 14 lần, sau 10 năm tăng 37 lần và đặc biệt sau 20 năm khối lượng công việc đã được các Trung tâm Đăng ký giải quyết tăng gấp 273 lần so với thời điểm bắt đầu từ năm 2002. Bên cạnh việc tăng về số lượng thì chất lượng giải quyết công việc tại các Trung tâm ngày càng đảm bảo. Do đó, đến thời điểm hiện nay, chưa có trường hợp Trung tâm Đăng ký phải xin lỗi người dân theo quy định do sự chậm trễ, sai sót của viên chức làm công tác đăng ký.
Tạo thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp
Công tác đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ bằng động sản được giải quyết chính xác, thuận lợi, nhanh chóng với chi phí đăng ký hợp lý dẫn đến chi phí giao dịch trong xã hội sẽ ở mức thấp, thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tăng cao, nâng cao tỷ lệ đóng góp ngân sách nhà nước. Việc thu phí từ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ tại các Trung tâm Đăng ký đã đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước gần 60 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 132%, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 32%.
Ngoài ra, việc đăng ký, cung cấp thông tin về BPBĐ bằng động sản qua Hệ thống đăng ký trực tuyến được vận hành hiệu quả cũng đã góp phần giúp chi phí xã hội tiết kiệm ngày càng được nâng cao, trong giai đoạn từ năm 2012 – 2020 đã tiết kiệm gần 324 tỷ đồng chi phí cho xã hội, tiết kiệm 33 tỷ đồng cho cơ quan đăng ký, giảm được khoảng 12,5 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu cung cấp dịch vụ công và góp phần nâng cao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu vốn trong xã hội, nhờ đó nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển liên tục, khắc phục tình trạng khan hiếm vốn và sự mất cân đối về nhu cầu vốn giữa các thành phần kinh tế, tiết kiệm một lượng chi phí đáng kể cho cơ quan nhà nước cũng như chi phí do tổ chức và cá nhân phải bỏ ra khi thực hiện đăng ký BPBĐ.
Với những kết quả đã đạt được như trên, có thể thấy hệ thống pháp luật hiện hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ đã góp phần thúc đẩy thị trường vốn và hoạt động sản xuất - kinh doanh vận động trong khuôn khổ hành lang pháp lý an toàn, minh bạch, giúp Nhà nước có được những thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình hoạch định các chính sách mang tính vĩ mô, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chính sách bảo đảm an toàn tín dụng. Việc đăng ký BPBĐ được đăng ký và công khai hóa đã hạn chế được những tranh chấp phát sinh trong cuộc sống do các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm trước khi ký kết, thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản đó.
Để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp nói chung, Cục Đăng ký nói riêng trong lĩnh vực đăng ký BPBĐ, trong giai đoạn tới Cục Đăng ký đề xuất tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt nghiên cứu xây dựng Luật Các BPBĐ thực hiện nghĩa vụ để làm rõ vị trí, định hướng phát triển của thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thiết chế đăng ký BPBĐ, đăng ký giao dịch, tài sản, tạo tiền đề chiến lược cho việc giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai Hệ thống đăng ký trực tuyến đối với các giao dịch bảo đảm bằng động sản, bất động sản theo hướng nâng cấp và hoàn thiện các tính năng của phần mềm đăng ký bảo đảm thân thiện, tiện lợi và an toàn, bảo mật thông tin tối đa cho người sử dụng. Từng bước hiện đại hóa các Hệ thống đăng ký chuyên ngành để tạo tiền đề vững chắc nhằm kết nối, thống nhất dữ liệu về tài sản trong phạm vi cả nước. Phát huy tốt vị trí, vai trò của các Trung tâm Đăng ký trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công về đăng ký BPBĐ bằng động sản (không phải tàu bay, tàu biển), đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp theo hướng thuận lợi, giảm thiểu chi phí về thời gian, tài chính, nhân lực, góp phần tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội…
Với sự nỗ lực không ngừng trong suốt 20 năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Cục Đăng ký đã góp phần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ. Cho đến thời điểm hiện nay, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ cơ bản đã được điều chỉnh thống nhất, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng với mục tiêu cải cách hành chính, cải cách pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.