Cụ thể, bệnh nhân N.V.H. (38 tuổi) được chuyến đến khoa Cấp cứu bệnh viện Thống Nhất lúc hơn 1h sáng 18/10 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp bằng không, do bị nhóm người lạ dùng vật nhọn đâm thủng ngực.
Bệnh nhân được ekip trực quyết định chuyển liền lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật mà không làm các thủ tục khác. Bệnh nhân chỉ được kịp làm test nhanh và xác định nhóm máu.
Các công tác như làm các xét nghiệm chẩn đoán, làm thủ tục hồ sơ bệnh án và giải thích cho người nhà được tạm gác lại, tập trung cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân... do tình trạng nghi ngờ thủng tim đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người bệnh.
Bệnh nhân tiếp tục tụt huyết áp, được bác sĩ tiến hành hồi sức và khẩn cấp tiến hành phẫu thuật. Sau khi mở lồng ngực, bác sĩ phát hiện một lỗ thủng tim 2 cm ở mặt trước tâm thất phải khiến máu chảy tự do ở xoang màng tim và khiến tim gần như ngưng đập.
Sau khi hút hết các cục máu đông, bác sĩ phát hiện lỗ thủng ở tâm thất phải. Ekip phẫu thuật khẩn trương kịp vết hở tim và truyền máu thông qua 4-5 đường truyền.
Sau khi khâu vết thương, cầm máu được, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 3h45 cùng ngày. Bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức để tiếp tục theo dõi. Đến chiều 18/10, bệnh nhân được rút nội khí quản và hoàn toàn tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn hoàn toàn ổn định.
Theo TS.BS Trương Nguyễn Hoài Linh - Đơn vị Tim mạch, khoa Lồng ngực mạch máu - Bệnh viện Thống Nhất là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, đối với trường hợp bệnh nhân này, chỉ cần chậm một chút thôi thì quá lòng qua khỏi. Vì thế, ekip bác sĩ đã đồng thuận tiến hành bỏ qua các thủ tục mà tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân.
"Nếu như làm theo quy định như kêu người nhà vào giải thích, đưa bệnh nhân đi chụp X-quang, CT-scan, siêu âm... thì bệnh nhân chắc chắn không qua khỏi. Với vị trí vết đâm này và tình trạng lâm sàng này thì 99% tim bị thủng. Vì thế, nếu để càng lâu thì bệnh nhân khó qua khỏi, phải khẩn trương mở lồng ngực bệnh nhân để tìm cách giải quyết, đặt tính mạng bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu", TS.BS Trương Nguyễn Hoài Linh chia sẻ.
Điều quan trọng giúp ekip phẫu thuật thành công là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và giàu kinh nghiệm trong công tác xử lý. Ngoài việc quyết định nhanh chóng phương hướng xử lý của các phẫu thuật viên, đội ngũ bác sĩ Gây mê hồi sức phải luôn theo dõi sát sinh hiệu bệnh nhân, cung cấp đủ lượng máu đã mất trong quá trình phẫu thuật. Nếu bác sĩ gây mê chậm trễ hồi sức hoặc không bù lại lượng máu đã mất trước đó thì ca phẫu thuật khó lòng thành công.