Đằng sau “cuộc đua 100.000 tỷ”

 

Trong “cuộc đua” doanh thu 100.000 tỷ, VNPT đã tạm dẫn trước Viettel. Nhưng những con số mà “kẻ thua” đưa ra khiến “người thắng” không khỏi giật mình, nhìn thấy trước một tương lai bất lợi nếu không gắng nỗ lực hơn nữa…

Trong “cuộc đua” doanh thu 100.000 tỷ, VNPT đã tạm dẫn trước Viettel. Nhưng những con số mà “kẻ thua” đưa ra khiến “người thắng” không khỏi giật mình, nhìn thấy trước một tương lai bất lợi nếu không gắng nỗ lực hơn nữa…

Thắng – thua khó nói…

Còn nhớ, ngay từ đầu năm 2010, “cuộc đua” doanh thu 100.000 tỷ được cả VNPT và Viettel đặt ra. Ban đầu, VNPT đặt mục tiêu doanh thu cho 2010 là 94.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010,  còn Viettel đưa ra chỉ tiêu 96.000 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2009.

Ngay sau đó, VNPT đã điều chỉnh mục tiêu tăng thêm 6.000 tỷ đồng, quyết tâm đạt được doanh thu 100.000 tỷ đồng để giữ ngôi đầu trong lĩnh vực CNTT - TT, đồng thời phấn đấu tối thiểu đạt lợi nhuận 15.000 - 16.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.500 - 8.700 tỷ đồng. Lập tức, Viettel cũng điều chỉnh mục tiêu doanh thu lên mức cao hơn VNPT với trên 100.000 tỷ đồng.

dt.jpg

Cuối năm, số liệu đưa ra cho thấy, VNPT đạt doanh thu 101.569 tỷ đồng, đạt 100,56% kế hoạch năm 2010, tăng 27,05% so với 2009. Viettel thu được 91.561 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch và tăng 52% so với 2009.  Thế nhưng, dù đã về đích trước, tổng lợi nhuận của VNPT trong năm 2010 chỉ đạt 11.200 tỷ đồng, còn Viettel tuy xếp sau nhưng lợi nhuận lại cao hơn, với 15.500 tỷ đồng.

Năm 2011, phải nỗ lực hơn

Cơ cấu doanh thu cho thấy VNPT có nguồn thu chính từ 2 mạng di động là VinaPhone và MobiFone, với khoảng 55,41% thị phần, còn lại là từ bưu chính, Internet băng rộng, điện thoại cố định… Đối với Viettel, 60% doanh thu của tập đoàn này đến từ dịch vụ thông tin di động, còn lại là từ các nguồn thu khác như bất động sản, phân phối điện thoại, bưu chính và Internet... Cơ cấu doanh thu cho thấy Viettel đang tìm mọi cách để vươn lên vị trí số 1.

Ngoài việc tiếp tục củng cố hạ tầng mạng lưới viễn thông, Viettel đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công các thiết bị viễn thông như Hompphone, Seaphone, USB Dcom 3G… Viettel cũng là đơn vị đầu tiên phủ sóng 3G ở 3 nước Đông Dương, đồng thời liên tục mở rộng đầu tư sang các thị trường mới xa hơn và khó khăn hơn là Haiti (châu Mỹ) và Mozambique (châu Phi).

Với 4 thị trường nước ngoài là Campuchia, Lào, Haiti và Mozambique, Viettel đã có thêm khoảng 60 triệu khách hàng tiềm năng. Mục tiêu trong năm 2011 của đơn vị này sẽ là 100 triệu dân.  Tuy tham gia muộn tại Campuchia, nhưng Viettel hiện đứng thứ nhất về hạ tầng và thuê bao. Tại Lào, Viettel đứng đầu về hạ tầng mạng lưới. Doanh thu năm 2010 tại thị trường Campuchia đạt 161 triệu USSD, tăng 2,8 lần so với năm 2009. Tại thị trường Lào đạt gần 61 triệu USD, tăng 4,5 lần.

Khẳng định vị trí DN số 1 trong ngành CNTT – TT Việt Nam, VNPT đặt ra chỉ tiêu năm 2011 đạt doanh thu 130.000 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010. Trong khi đó, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng 25%, tương đương với doanh thu đạt trên 109 nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xét trên cơ cấu doanh thu, nếu trong năm tới VNPT không có nỗ lực và đổi mới căn bản, mục tiêu mà DN này đặt ra sẽ trở thành một cái đích nặng nề, bởi nó được đặt chủ yếu trên 2 cty thông tin di động là MobiFone và VinaPhone, mà bối cảnh thị trường di động đang ngày một khó khăn trong khi các nhà mạng này vẫn cần phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để đầu tư củng cố hạ tầng.

Còn Viettel thì lại đang là nhà mạng có số thuê bao lớn nhất trên thị trường nội địa, cộng với một lượng lớn khách hàng tiềm năng mà nhà mạng này có thể “kiếm” được trên thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp này lại đang có thế tiến chẻ tre tạo lập được sau 10 năm phát triển thần tốc.

Thế nên, nếu DN nào đó chỉ dừng một nhịp, cục diện cuộc đua năm 2011 có thể được thiết lập ngay.

H.Thủy – T.Lan

Đọc thêm