Dạng tội phạm mới cần xử nghiêm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 400 cây thông giữa lòng TP Đà Lạt bị cưa hạ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá đây là vụ phá rừng “rất lạ” bởi khu vực này đường đi khó khăn, không có nguồn nước; phá rừng nhưng không thể đưa gỗ ra ngoài, không thể chiếm đất.
Dạng tội phạm mới cần xử nghiêm

Vậy động cơ phá rừng là gì? Nhiều ý kiến cho rằng mục đích cuối cùng của các đối tượng chỉ có thể là lấn chiếm đất. Lập luận này không phải không có cơ sở. Vị trí rừng thông bị cưa hạ ở Đà Lạt đúng là hiểm trở, khó đi lại. Từ đường Mai Anh Đào (phường 8, Đà Lạt) đi đến vị trí rừng bị phá này khoảng 5km; đi xe máy hoặc ô tô cũng có thể đến; trong khu vực có một nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ nơi này đi khoảng 200m là tới khu vực rừng bị phá. Khu vực có độ cao gần 1.600m nên tầm nhìn rất thoáng, đẹp…

Ở Đà Lạt, việc cưa hạ thông không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến lòng người xót xa bởi thông là biểu tượng của “thành phố sương mù”. Vì vậy mà người Đà Lạt lâu nay vẫn truyền tai quan niệm “cưa thông ở đâu không biết, chứ động vào một cây thông ở Đà Lạt là chuyện lớn”.

Cũng bởi thế mà dư luận càng bất ngờ, xót xa khi rừng thông tại tiểu khu 144B bị cưa hạ với số lượng hàng trăm cây. Bất ngờ hơn nữa khi khu rừng bị cưa hạ có chủ hẳn hoi, đã được giao cho Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý và bảo vệ. Ngoài tai mắt nhân dân, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương… cũng được trao quyền nhất định.

Hơn nữa, để cưa hạ số thông lớn như vậy không thể nào “chớp nhoáng”, ngày một, ngày hai; mà cần thời gian dài. Những cây thông “gục xuống” có cây lá đã khô nhưng có cây lá mới héo… cho thấy “lâm tặc” có thể đã phá rừng thành từng đợt, tổ chức bài bản…

Vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra khi Thủ tướng vừa có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Trước đó, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Công điện của Thủ tướng cũng định hướng nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; kiên quyết thu hồi rừng với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng; bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm…

Thế nên nghi án này càng không thể bỏ qua. Có mặt tại hiện trường, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhận định, rất có khả năng lớn đây là những băng nhóm chuyên nghiệp. Quan điểm của UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng là điều tra làm rõ, xử lý nghiêm để lấy đó làm bài học răn đe, đồng thời đó cũng là bài học kinh nghiệm của lực lượng kiểm lâm và công tác quản lý bảo vệ rừng. Quả là quá đau xót khi hàng trăm cây thông đã ngã xuống, dù trên danh nghĩa, “luôn được sự bảo vệ của nhiều lực lượng chức năng địa phương”.

Đọc thêm