Vụ bắt cóc táo tợn
Theo trình bày của bà Đinh Thị Hường (SN 1954, ngụ thôn Bình Minh, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), khoảng 11h ngày 9/7, bà cùng con gái đi ra ngã ba buôn Ea Nho (xã Chư Kpô) để bán bơ cho một người quen. Đến khoảng 12h cùng ngày, bà lái xe máy về nhà.
Vừa đi được khoảng 300m thì bị hai thanh niên chặn xe, quát: “Hôm nay gặp tao thì mày chỉ có chết”. Chưa kịp hiểu chuyện gì, bà bị hai thanh niên này lao tới, bế thốc lên xe.
Lúc đó, con gái của bà Hường (SN 1987) kịp chạy tới giằng co với hai thanh niên để cứu mẹ. Nạn nhân vừa la hét, vừa vùng vẫy để nhờ những người đi đường giúp đỡ. Nhưng buổi trưa ít người đi lại, không ai giúp mẹ con bà Hường.
Cũng theo bà Hường, sau vài phút mẹ con bà giằng co với hai thanh niên lực lượng, bà Cao Thị Phương (SN 1958, ngụ thôn Liên Hóa, cùng xã) xuất hiện, trên tay cầm hai sợi xích. “Tôi bị bà Phương dùng xích trói hai tay ra sau, vòng xích qua cổ và kéo lên xe của hai thanh niên. Tôi bị kẹp ở giữa, bị bịt mắt, bịt miệng nên dọc đường không kêu la gì được”, bà Hường nói.
|
Bà Hường cho rằng mình bị cắt tóc, dọa nạt và đánh đập đến ngất xỉu. |
Sau khi mẹ bị bắt, người con gái chạy về nhà gọi người thân tổ chức đi tìm và báo tin cho công an các cấp. Còn nạn nhân khi vào đến rẫy vắng liên tục bị hai thanh niên dọa nạt. “Bà Phương đạp tôi nhiều cái, bảo tôi là “đồ không có lương tâm, vô trách nhiệm”.
Bà ấy còn dọa “nếu người nhà không đem tiền, tao giết mày trong đêm nay”. Sau đó, họ dùng kéo cắt tóc, dọa sẽ cắt tai nên tôi rất sợ””, bà Hường trình bày.
Nạn nhân tố tiếp, sau một lúc “hành hạ”, người phụ nữ tên Phương đổ mực trong một cây bút bi ra, bôi lên tay nạn nhân, bắt điểm chỉ vào một tờ giấy nợ đã viết sẵn. “Tôi chỉ biết đó là tờ giấy ghi nợ chứ không biết bao nhiêu tiền.
Họ đổ mực ra tay tôi tèm nhem, tôi rửa gần cả tuần mới sạch. Sau khi ép tôi điểm chỉ xong, cả nhóm hành hạ khiến tôi ngất xỉu mấy lần. Đến khi tôi tỉnh lại, họ dụ lên xe để chở về nhà nhưng tôi quá mệt, chẳng biết cả nhóm đã chở mình đi đâu”, nạn nhân kể.
Trong lúc bà Hường bị nhóm người trên bắt cóc, lực lượng Công an huyện Krông Búk nhận tin báo đã cử cán bộ tới khám nghiệm hiện trường, đồng thời phối hợp với Công an xã Chư Kpô và người nhà tỏa ra mọi hướng để tìm kiếm nạn nhân.
Khoảng 16h30, người thân bà Hường phát hiện có một xe máy chở ba người, chạy theo hướng từ thị xã Buôn Hồ - Krông Búk nên đuổi theo. Khi gần bắt kịp, mọi người phát hiện nạn nhân bị kẹp ở giữa, phía sau là bà Phương nên lập tức gọi điện báo công an.
Sau đó, người nhà nạn nhân cùng lực lượng công an truy đuổi đến trước cổng trụ sở Công an huyện Krông Búk thì bắt được bà Phương, cùng con trai là Phan Duy Hằng Ri (SN 1991).
Sau khi được giải cứu, nạn nhân được người thân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện TX.Buôn Hồ. Theo bác sĩ Y Sih Mlô, Phó giám đốc Bệnh viện, bệnh nhân Hường nhập viện vào khoảng 17h ngày 9/7/2016 tại Khoa Ngoại tổng hợp. Bà Hường khai bị đau nhức nhiều vị trí do người khác đánh đập.
Sau khi kiểm tra, Bệnh viện chẩn đoán nạn nhân bị đa chấn thương phần mềm. Đến ngày 16/7, bệnh nhân này đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện.
|
Chị Hiền khi mới bị thương (ảnh do gia đình cung cấp) |
Về phần những đối tượng bắt giữ người trái phép, trong khi Ri thành khẩn khai báo mọi chuyện với CQĐT thì bà Phương một mực phủ nhận và cho rằng mình không phạm tội.
Trao đổi với XLPL, Thượng tá Nguyễn Văn Vy (Phó trưởng Công an huyện Krông Búk) cho biết, CQĐT đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và chuyển sang VKSND huyện chờ phê duyệt. Hai đối tượng trong vụ án là Cao Thị Phương và con trai Phan Duy Hằng Ri đang bị tạm giữ và chuyển tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Thượng tá Vy thông tin: “Hai mẹ con bà Phương có dấu hiệu phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Hiện tại, chúng tôi đã xác định rõ nhân thân của người thanh niên liên quan trong vụ án trên. Tuy nhiên, người này chưa nhận tội nên CQĐT đang tiếp tục thu thập chứng cứ để làm rõ”.
Chủ nợ “giang hồ” đòi cắt gân chân lấy nợ
Trở lại với gia đình nạn nhân, chị Lê Thị Hiền (SN 1976, con gái bà Hường) cho rằng, nguồn cơn sự việc gây náo động trên chỉ bắt đầu từ 25 triệu đồng. Chị kể, ngày 11/6/2014, chị làm giấy vay của bà Phương 25 triệu đồng, hứa tới ngày 6/6/2015 sẽ trả đủ cả gốc và lãi. Đúng ngày hẹn, đột nhiên bà Phương đùng đùng xách dao sang tận nhà chị đòi tiền.
Lúc đó, chị dậy sớm đi đổ mủ cao su nên hai bên không gặp mặt. Sau đó, bà Phương sang gặp mẹ chị (bà Hường), rút dao ra và dọa sẽ cắt gót chân của “con nợ” nếu không lấy được tiền.
Thời điểm đó, bà Hường đã ôn tồn giải thích, khuyên chủ nợ nên nghĩ tới mối thâm giao giữa hai gia đình mà hành động cho đúng pháp luật. Nhưng chủ nợ được cho rằng vẫn nhất quyết không lấy được tiền sẽ không bỏ qua.
Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, chị Hiền trở về, nghe mẹ kể lại chuyện bị chủ nợ đòi cắt gót chân đòi nợ thì gạt sang một bên, cho rằng chỉ là lời hù dọa.
|
Mẹ con bà Hường và chị Hiền kể lại sự việc. |
Chị Hiền tố cáo, khi chị đang mải phơi áo quần trước cửa nhà đã bị bà Phương cầm dao tới từ phía sau, lén cắt cả hai gót chân của chị. Chị phải gọi bố ra cứu, đưa vào phòng, còn “thủ phạm” thì lặng lẽ rời khỏi hiện trường.
Đến khoảng 12h hôm đó, chị Hiền báo sự việc lên chính quyền thôn Bình Minh và Công an xã Chư Kpô, xong nhờ người thân đưa đi phòng khám tư nhân ở xã Pơng Đrang (huyện Krông Búk) để khâu vết thương. Tuy nhiên, do vết cắt sâu, đứt cả gân của hai chân nên chị Hiền được chuyển lên Bệnh viện thị xã Buôn Hồ điều trị, nối lại gân chân.
Chị Hiền kể: “Theo kết quả giám định của công an, tôi bị thương tích 26%. Suốt một thời gian dài, tôi không đi lại được, ăn uống, vệ sinh đều nhờ đến người thân. Hôm đó, bà Phương dùng con dao dài khoảng 40cm, bản rộng khoảng 7cm cắt chân tôi. Thế nhưng, không hiểu sao bà ấy vẫn bình an vô sự cho tới ngày bắt cóc mẹ tôi”.
Nghi phạm thoát tội vì không ai nhìn thấy?
Đối với vụ việc này, ngày 26/8/2015, CQĐT huyện Krông Búk đã có quyết định khởi tố vụ án và tập trung lực lượng điều tra. Trong hồ sơ điều tra, bà Phương khẳng định mình không xuất hiện tại nhà chị Hiền vào ngày 6/6/2015. Tuy nhiên, có rất nhiều nhân chứng đã thấy bà này tại nhà chị Hiền.
Dựa vào những tài liệu, chứng cứ thu thập được, CQĐT xác định, vì mâu thuẫn từ khoản nợ 25 triệu, bà Phương đã cắt gót chân của chị Hiền nhưng đã khai báo vòng vo để chối tội. Đến ngày 18/11/2015, điều tra viên đã lập biên bản thống nhất quan điểm khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phương để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, phía VKSND huyện Krông Búk lại cho rằng, việc chị Hiền bị gây thương tích không có ai trực tiếp nhìn thấy, vật chứng của vụ án không thu được, bà Phương cũng không thừa nhận hành vi gây thương tích cho chị Hiền. Bên cạnh đó, các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án chưa đủ căn cứ để chứng minh bà Phương gây thương tích cho chị Hiền nên không đồng ý với CQĐT.
|
Hiện trường nơi bà Hường bị nhóm đối tượng bắt giữ. |
Đến ngày 22/12/2015, CQĐT huyện Krông Búk ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án trên vì đã hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được bị can.
Ngồi bên cạnh mẹ, người con trai cả của chị Hiền (SN 1993) buồn bã cho biết: “Lần đó, bà Phương mang dao đến nhà, lớn tiếng dọa nạt là thật. Cũng vì tôi chủ quan, nghĩ bà ấy chỉ hù dọa nên mới để xảy ra chuyện đáng tiếc.
Phía VKSND cho rằng không có nhân chứng trực tiếp thấy bà Phương cắt gót chân mẹ tôi nên không đồng ý với việc khởi tố bị can. Tôi thấy điều này rất vô lý. Có rất nhiều vụ án giết người, CQĐT đều phá án thành công khi không có nhân chứng trực tiếp”.
Tiếp lời con, chị Hiền cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình chị nghèo khó, chồng mất sớm, cha mẹ già yếu nên không biết nương nhờ vào ai. “Việc tôi nợ bà Phương 25 triệu đến nay chưa trả là thật. Nhưng vì bị bà ấy cắt gót chân, phải nằm liệt giường cả năm, mất sức khỏe, mất viện phí…tôi cảm thấy rất ấm ức.
Mong sao các cơ quan thực thi pháp luật sẽ làm rõ trắng đen vụ việc lần này, trừng trị đúng người đúng tội để bà Phương nhận ra sai lầm, không có hành động nào xâm hại đến sức khỏe và tinh thần của gia đình tôi nữa”.
XLPL đã tìm đến nhà bà Phương để xác minh thông tin. Tuy nhiên, ngôi nhà khóa cửa trong, gọi không ai trả lời. Tìm hiểu xung quanh, vài người dân cho biết, tính bà Phương nóng nảy, sống ít được lòng xóm giềng. “Bà Phương bị bắt mấy bữa rồi, mà tới hôm nay tôi mới biết tin. Tại bà ấy khó tính, xóm giềng chẳng muốn gần”, một người cho hay.