Đánh giá tác động công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Phải quan tâm đến đối tượng thụ hưởng

(PLO) - Trong thời gian qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có những bước phát triển mới nhưng tại một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, người dân. Vì vậy, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để có thêm giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL.
Ảnh minh họa.

Theo dự thảo Thông tư ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, dự kiến có 2 nhóm tiêu chí bao gồm các tiêu chí chung (tiêu chí về hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong công tác PBGDPL; tiêu chí bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tiêu chí về điều kiện bảo đảm; tiêu chí thực hiện chủ trương xã hội hóa; tiêu chí về hiệu quả tác động của công tác PBGDPL) và các tiêu chí về hiệu quả công tác PBGDPL áp dụng riêng đối với từng nhóm đối tượng khác nhau xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ cũng như các yếu tố đặc thù của công tác này (chia thành tiêu chí áp dụng cho các bộ, ngành; cho UBND các cấp; dự kiến áp dụng cho cả Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên).

Tại cuộc họp Ban Thư ký Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương diễn ra mới đây dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân – Trưởng ban Thư ký, các thành viên đã sôi nổi thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Thông tư và cùng cho rằng xây dựng bộ tiêu chí tuy rất khó khăn bởi đây công việc thường xuyên, liên tục nên khó định lượng nhưng hết sức cần thiết. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh chia sẻ kinh nghiệm triển khai 2 bộ chỉ số mà Bộ Nội vụ đang làm là Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Qua những kinh nghiệm này, theo ông Vinh, nên tiến hành thí điểm bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL để nâng cao nhận thức xã hội thì mới bàn đến việc xây dựng thành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều ý kiến tán thành trước mắt nên làm thí điểm, song bày tỏ sự băn khoăn rằng ai sẽ đánh giá đối với Bộ Tư pháp để đảm bảo tính độc lập, khách quan. Ngược lại, đại diện Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cứ để Bộ Tư pháp chủ trì, cần thiết thì mời tổ chức bên Mặt trận Tổ quốc giám sát. Trước một số ý kiến cho rằng không áp dụng tiêu chí đánh giá đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu vấn đề: Nếu như vậy sẽ rất “nhàn” nhưng một khi xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thì nên cân nhắc thêm.

Đến từ Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng phòng Pháp chế Nguyễn Đình Thơ dẫn chứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội về việc lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần chưa kịp có hiệu lực thi hành đã bị dư luận phản đối, đó là có một phần lỗi của công tác tuyên truyền, PBGDPL khiến đối tượng chịu tác động không biết để tham gia góp trước khi chính sách được thông qua. Vì vậy, ông Thơ đề nghị bổ sung thêm tiêu chí đánh giá quyền lợi mà người dân được hưởng từ công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các tiêu chí về hiệu quả tác động của công tác PBGDPL. Đây cũng là ý kiến của bà Phan Minh Thủy (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bởi theo bà Thủy, cơ quan nhà nước có thực hiện công tác PBGDPL nhưng có hiệu quả hay không thì phải đánh giá từ phía người thụ hưởng.

Kết luận phiên họp, Trưởng ban Thư ký Hội đồng - Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân ghi nhận, cảm ơn các ý kiến phát biểu. Trên cơ sở các góp ý, ông Lân nhấn mạnh sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư đảm bảo các tiêu chí rõ ràng, đánh giá được một cách thực chất hiệu quả của công tác PBGDPL.

Đọc thêm