Là một trong những địa phương luôn chú trọng tới công tác PBGDPL cho TTN hư, vi phạm pháp luật, những năm qua, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với các đơn vị hữu quan để tổ chức nhiều buổi giao lưu kết hợp với tuyên truyền pháp luật cho học viên Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề của TP thông qua các chuyên đề về pháp luật hình sự, an toàn giao thông đường bộ và hướng nghiệp dạy nghề.
Ngoài ra, chuyên mục “Góc nhìn pháp luật” được phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng cũng đã kịp thời phản ánh, cập nhật tình hình an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng thông qua hình thức phóng sự ngắn, clip về những vụ việc cụ thể, tình tiết vụ án, hiện trường vụ án, phiên tòa xét xử, tranh chấp, khiếu kiện… Từ đó, phân tích, bình luận trên cơ sở những quy định của pháp luật, cung cấp những thông tin cần thiết cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt đối với thanh thiếu niên.
Còn tại Kon Tum, các cấp chính quyền đã chú trọng PBGDPL trong trại tạm giam, nhà tạm giam bằng hình thức loa đài hoặc lồng ghép trong các chương trình tổ chức học tập văn hóa, chính trị, pháp luật như tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, vận động giáo dục pháp luật trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức giáo dục pháp luật cho phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù… Cùng với đó, còn tiến hành rà soát, tổ chức giáo dục và cho viết cam kết đối với TTN vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo sân chơi, các hoạt động cộng đồng giúp họ an tâm, phấn đấu học tập, lao động, tin tưởng vào chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho TTN nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Một mô hình ý nghĩa, thiết thực khác phải kể đến là diễn đàn “Vì bạn bè quanh ta” ở Bình Dương. Diễn đàn là nơi tập hợp thanh niên mãn hạn tù, cai nghiện thành công trở về địa phương. Tại buổi gặp gỡ, giảng viên tâm lý đã nói chuyện chuyên đề về tình yêu thương gia đình, kỹ năng sống, kỹ năng định hướng và đứng dậy từ những vấp ngã nhằm giúp các bạn có động lực, tự tin để làm lại cuộc đời, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Cùng với đó, các phòng tư pháp ở địa bàn Bình Dương cũng đã tăng cường phối hợp với Tòa án, công an, các đoàn thể, UBND phường để tổ chức “Lưu diễn xét xử lưu động”, thành lập “Tổ hòa giải thanh niên” nhằm tư vấn trực tiếp về các quy định pháp luật liên quan, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn không để sự việc đáng tiếc xảy ra. Tại buổi tuyên truyền, cơ quan công an cũng thông tin cho người dân những thủ đoạn của bọn tội phạm như lừa đảo, cướp giật, trộm cắp, bắt cóc… nhằm tuyên truyền cho nhân dân và TTN cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn của tội phạm để đề phòng.
Đều đặn mỗi tháng, Công an tỉnh Quảng Nam đều phối hợp với Hội Luật gia và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động viết thư “gửi lời xin lỗi” để tạo điều kiện cho phạm nhân nhận thức trách nhiệm, tự sửa chữa, xóa đi mặc cảm tội lỗi để vươn lên làm lại cuộc đời.
Có thể thấy, việc quan tâm giúp đỡ, cảm hóa các đối tượng vi phạm pháp luật nói chung và PBGDPL, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho đối tượng này nói riêng đã được các địa phương quan tâm và triển khai hiệu quả. Với các cách làm sáng tạo và nội dung tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với lứa tuổi mà ý thức và nhận thức về pháp luật của các đối tượng này đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành Tư pháp vẫn cần tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để đẩy mạnh hơn nữa công tác PBGDPL cho TTN nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng lệch lạc về văn hóa, đạo đức, lối sống và vi phạm pháp luật của một bộ phận TTN trong bối cảnh hiện nay.