Luật đánh đố
Lấy câu chuyện “cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng” làm ví dụ. Đây không chỉ là câu chuyện “nên hay không nên” xây dựng cáp treo mà các nhà khoa học còn lâm vào thế khó khi đóng góp vào một cái “chưa có gì là cụ thể”.
TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau khi vấn đề xây dựng cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng được đưa ra, rất nhiều nơi, kể cả báo chí đã tìm đến hỏi ý kiến của ông.
“Tuy nhiên, ý kiến của chúng tôi cũng chỉ trên nguyên tắc chứ thực tế đã có dự án đâu mà chúng tôi đánh giá tác động môi trường (ĐMT)?” - TS.Kinh phát biểu. Theo giải thích của TS. Kinh, dự án chưa có, đối tượng tác động và đối tượng bị tác động cũng chưa rõ ràng nên chẳng có căn cứ nào để ĐMT.
Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2005 quy định phải phê duyệt báo cáo ĐMT trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác. Tuy nhiên, Luật Đầu tư cũng được ban hành trong năm đó lại bỏ cấp phép đầu tư mà chỉ có đăng ký đầu tư, thậm chí không phải đăng ký. Hồ sơ đăng ký đầu tư cũng không yêu cầu về ĐMT, đối với dự án có quy mô lớn (trên 300 tỷ đồng), trong hồ sơ và nội dung thẩm định tuy có đề cập đến giải pháp về môi trường song cũng rất mờ nhạt.
Luật BVMT 2014 đã có cải cách so với Luật BVMT 2005, trong đó quy định ĐMT của chủ dự án phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án (Điều 19) – hàm ý là giai đoạn đầu của dự án, trong khi Luật Đầu tư 2005 không quy định rõ lúc nào là đầu, là giữa hay là cuối dự án? Mặt khác, khi quy định về việc phê duyệt báo cáo ĐTM (Điều 25) lại quy định quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
“Điều này là vô lý bởi vì mới có chủ trương đầu tư tức là chưa có dự án đầu tư, mà theo Luật thì ĐTM là quy định đối với dự án đầu tư chứ không phải đối với chủ trương đầu tư. Một khi chưa có dự án thì cũng chưa có căn cứ để thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM để mà phê duyệt (!?), trong khi cũng tại Điều 25 này lại quy định rằng quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng – có nghĩa rằng ĐTM chỉ được thực hiện sau khi đã có quyết định về địa điểm đầu tư – việc này là trái với nguyên tắc và tính chất của ĐTM!”- TS. Nguyễn Khắc Kinh khẳng định.
Vẫn là vấn đề bỏ ngỏ
TS.Kinh cũng lưu ý rằng, bản chất ĐTM mang tính dự báo tác động chứ không phải là công cụ đánh giá. TS.Kinh cho biết, trên thế giới, ngoài ĐTM còn có ĐTX, ĐTS… rất đầy đủ, nhưng ở Việt Nam, tất cả đều dồn vào ĐTM.
“Đối với những dự án như cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng, các nước họ làm ĐTM đến 4-5 năm, với kinh phí rất lớn, nhưng ở ta thì khác. Để dự báo tác động, phải căn cứ vào thông tin, chẳng hạn đối tượng gây tác động, đối tượng bị tác động, sức tải của môi trường sinh học... không hề đơn giản, trong khi còn bao nhiêu loài mới phát hiện, chưa rõ tập tục sinh sống, các môi trường thay thế cho chúng. Việt Nam cũng không đủ kinh phí và thời gian như thế giới để có thể đánh giá chính xác các tác động môi trường …” - TS.Kinh nhận định.
Được biết, liên quan đến ĐMT theo Luật BVMT 2014, Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này cũng không làm rõ hơn và câu chuyện ĐMT trước khi có quyết định đầu tư hay có dự án đầu tư mới có ĐTM. Như vậy, đây vẫn là câu chuyện còn đang dang dở…
PGS.TS.Tạ Hòa Phương - Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị những dự án tương tự như cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng cần phải có sự tham vấn phản biện từ các hiệp hội khoa học, các nhà khoa học có nhiều năm gắn bó ở đó…
Còn TS.Nguyễn Khắc Kinh cũng nhấn mạnh, công tác tham vấn không chỉ là tham vấn cộng đồng, cũng không nên hiểu tham vấn theo nghĩa hẹp, tức là chỉ tham vấn kết quả ĐTM mà phải là tham vấn cả quá trình và biện pháp thực hiện. Tham vấn không nhằm phản đối dự án mà giúp nhà đầu tư thu thập thông tin từ nhiều bên, giảm rủi ro cho dự án đầu tư của họ…