Đánh giá toàn diện để tận dụng tối đa lợi thế các FTA

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã lưu ý ngành này cần đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại Hội nghị.

Kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, toàn ngành Công Thương đã có một năm về đích thuận lợi, đạt kết quả cao, bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó phải kể đến kỷ lục mới của kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) với giá trị ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước.

Cụ thể, xuất khẩu (XK) ước đạt 336 tỷ USD, tăng 19% (vượt 15% so với kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao). Nhập khẩu ước đạt 332 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Mặc dù nhập khẩu tăng cao nhưng cơ bản được kiểm soát tốt do nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90% kim ngạch. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với giá trị khoảng 4 tỷ USD.

Thị trường trong nước tương đối ổn định, cơ bản đảm bảo được cân đối cung - cầu, đặc biệt là cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân với giá cả hợp lý trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.

Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong những giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Doanh thu TMĐT đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng, mặc dù XK tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) lại tăng lên so với những năm gần đây. Giá trị gia tăng trong XK chưa được như mong muốn. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.

Đáng lo nhất là một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc kéo dài tại cửa khẩu. Năng lực XK của các DN 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa chưa cao; Sự chủ động tham gia hội nhập của các DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa cũng chưa tích cực.

Đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2021. Như các ngành dầu khí, điện lực, than - khoáng sản, xi măng, sắt thép… đã tận dụng ưu điểm, lợi thế khép kín của chu trình công nghệ sản xuất, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, phải dừng sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, lao động nhưng đã chủ động phục hồi sản xuất.

Ngành Công Thương cũng đã tận dụng hiệu quả các FTA. Thị trường XK tiếp tục được mở rộng, hàng hóa XK ngày càng phong phú; chất lượng hàng hóa được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc.

Tuy nhiên, quản lý thương mại biên giới còn một số bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản XK sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức tiểu ngạch, rủi ro lớn cho người sản xuất. Thị trường và kim ngạch XNK còn phụ thuộc nhiều vào các DN FDI. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả còn diễn biến phức tạp.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022 được dự báo có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dự báo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là hoạt động XNK sẽ có biến động khó lường. Vì vậy, ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động XNK cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Công Thương cần đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Đẩy mạnh XK, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa XK, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; Giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc như thời gian vừa qua; Phối hợp với các bộ, ngành địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa XK chính ngạch sang Trung Quốc.

Đọc thêm