Cần nghiên cứu kỹ
Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng việc hợp nhất một số ngành, nghề như được nêu trong Dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đưa đến trường hợp cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh một ngành, nghề phải bổ sung các giấy phép, giấy tờ kinh doanh khi luật ra đời. Do vậy, ĐB này cho rằng cần nghiên cứu kỹ, nếu quy định hợp nhất một số ngành, nghề không có lợi cho doanh nghiệp thì không hợp nhất.
Một số ĐB cũng nhất trí với đề nghị không bãi bỏ kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô và kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vì Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác không có quy định cấm kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô. Trên thực tế dịch vụ kinh doanh này đang thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ mô của người có yêu cầu lưu giữ để họ sử dụng khi cần thiết bảo đảm chất lượng.
ĐB Dương Tuấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đề xuất lập ngân hàng mô tư nhân để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với kinh doanh dịch vụ kỹ thuật mang thai hộ, Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và để làm được điều này thì phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật mang thai hộ và phải trả tiền cho dịch vụ đó. Trong khi đó, nhu cầu đối với hoạt động mang thai hộ là rất lớn vì tỉ lệ vô sinh hiện khá cao.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng bản danh mục đề xuất có bước tiến, từ 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xuống còn 229 ngành. Song, ông cũng cho rằng bản danh mục vẫn còn chưa thống nhất, chưa tương thích, khá phức tạp và có một số nội dung chưa rõ ràng về phân loại, xếp loại, chuẩn về tên gọi ngành nghề cũng như hoạt động dịch vụ.
Có nên sửa luật ngay?
Ngoài ra, một số ĐB cũng đề nghị cân nhắc lại việc sửa luật này. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng vấn đề doanh nghiệp “ngán”, ngại nhất hiện nay không phải ưu đãi hay không ưu đãi mà là khi chúng ta đưa vào trong danh mục có điều kiện có thể gây khó cho doanh nghiệp. “Chúng ta bày ra những điều kiện bất hợp lý, phi lý, quy định thì mập mờ, nhập nhằng, cuối cùng doanh nghiệp phải chạy tới, chạy lui rồi tốn kém” – ông đặt giả thiết. ĐB Nghĩa đề nghị quy định luôn các điều kiện để được đầu tư kinh doanh trong danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chứ không để các bộ ban hành. Do vậy, ĐB đề nghị sửa luật trong kỳ họp để có thời gian xem xét thấu đáo hơn.
Tương tự, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng cho rằng Dự thảo Luật chưa đáp ứng được tiêu chí là nội luật hóa, quy định rõ trong luật; các điều kiện để kinh doanh các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được nêu rõ nên khi ban hành người dân rất khó hình dung, phải chờ nghị định để thực hiện. ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng nên để lại kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, đảm bảo tính hợp lý của luật, tránh khả năng sửa xong đến năm 2017 tiếp tục phải sửa.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc sửa luật là cải cách quan trọng nằm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo bước chuyển biến từ quy định người dân được kinh doanh tất cả các ngành mà luật cho phép sang thành được tự do kinh doanh các ngành mà luật không cấm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật cũng giảm đáng kể ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ông cũng cho rằng đây là lần đầu tiên sửa luật theo cách đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chỉ sửa phụ lục. “Với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn thì việc sửa là cần thiết, tránh việc lợi dụng gây khó khăn của các cơ quan thực thi nhiệm vụ của Nhà nước, xóa bỏ không rõ ràng, thiếu minh bạch để các cơ quan nhà nước sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy bắt buộc phải làm” – Bộ trưởng Dũng nói.