Danh sách quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài: Việt Nam thăng hạng từ sự khác biệt hấp dẫn

(PLVN) -Đất nước hòa bình, con người thân thiện, thời tiết dễ chịu, cơ hội việc làm rộng mở, chi phí sinh hoạt rẻ, trong khi vẫn được hưởng cuộc sống tốt nhất. Những bãi biển, đồ ăn ngon và nền văn hóa hấp dẫn khiến nơi đây trở thành một địa điểm tuyệt vời cho bất kỳ ai muốn thử những điều mới mẻ.
Các vị khách nước ngoài nghe giới thiệu và trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Đại Nội Huế. (Ảnh: TL).
Các vị khách nước ngoài nghe giới thiệu và trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Đại Nội Huế. (Ảnh: TL).

Đây là đánh giá chung của những người nước ngoài tham gia khảo sát Expat Insider của Tổ chức InterNations. Cuộc khảo sát nhằm đánh giá và xếp hạng những điểm đến tốt nhất cho người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Việt Nam được đánh giá cao ở chỉ số an toàn và an ninh tại khu vực châu Á

Theo khảo sát 12.000 người từ 171 quốc gia, vùng lãnh thổ của Internations, năm 2023 Việt Nam được xếp hạng 14 trong danh sách 53 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài. Việt Nam được đánh giá cao ở chỉ số "an toàn và an ninh" tại khu vực châu Á. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 34 toàn cầu về chỉ số này nhưng ở châu Á chỉ xếp sau Đài Loan (Trung Quốc), UAE, Singapore, Bahrain, Qatar, Oman, Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia.

Theo bảng xếp hạng, Việt Nam được nhiều người nước ngoài đánh giá dễ tới định cư ở các yếu tố như: "văn hóa và sự chào đón" (xếp hạng 16), "tìm kiếm bạn bè" (xếp hạng 11), "sự mến khách của người bản địa" (xếp hạng 5). Internations cho biết, hơn 4/5 (82%) người nước ngoài đánh giá người Việt Nam thân thiện, mến khách, trong khi chỉ số này ở toàn cầu chỉ khoảng 67%. Họ cảm thấy hài lòng khi được chào đón ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được nhận định là nơi đáng sống với giá cả phải chăng. Ở chỉ số tài chính cá nhân, Việt Nam dẫn đầu danh sách thế giới. Chỉ số này dựa trên 3 yếu tố: mức độ hài lòng về tình hình tài chính, chi phí sinh hoạt chung, khả năng thu nhập của người tham gia khảo sát có đủ để sống thoải mái hay không. Cụ thể, 77% số người tham gia khảo sát cho rằng chi phí sinh hoạt thuận lợi. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 44%.

Ngoài ra, Thống kê của HSBC Expart đã chỉ ra 8 lý do đó là: Cơ hội việc làm: (Sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định của Việt Nam đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, bao gồm các công việc về giáo dục, tài chính, ngân hàng hoặc công nghệ thông tin...); Thu nhập cao (Theo khảo sát của HSBC Expat Explorer, nếu bạn muốn kiếm được lương sáu con số (USD), hãy đến Việt Nam. Trong đó, 15% người nước ngoài ở Việt Nam kiếm được hơn 250.000 USD một năm, so với mức trung bình toàn cầu là chỉ 7%); Chi phí sinh hoạt rẻ (Người nước ngoài có thể sống một cuộc sống dễ chịu ở Việt Nam với một khoản chi tiêu vừa phải vì giá các loại hàng hóa và dịch vụ là tương đối rẻ so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới); Nền văn hóa phong phú, đa dạng (64% người nước ngoài ở Việt Nam cho biết đây là một nơi có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú.

Con người thân thiện, cởi mở, mặc dù đã trải qua nhiều năm lịch sử chiến tranh khốc liệt, người Việt Nam vẫn luôn giữ lòng hiếu khách và sự hào phóng đối với người dân quốc tế. Người Việt Nam khéo léo, dễ gần và nhiệt tình, có chí cầu tiến và lạc quan); Một đất nước hòa bình (So với một vài quốc gia láng giềng trong khu vực, Việt Nam dường như an toàn hơn để sống và làm việc); Thời tiết tương đối dễ chịu (Việt Nam có sự khác biệt về khí hậu giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Có nghĩa là trong năm sẽ luôn có một vùng nào đó có thời tiết rất đẹp); Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời (Việt Nam nổi tiếng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn và truyền cảm hứng với vô số bãi biển đẹp, các vùng cao nguyên mát mẻ với những hồ nước và dòng suối trong lành)...

Trước đó, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số các quốc gia đáng sống nhất cho người nước ngoài, vươn lên vị trí thứ 7 từ vị trí thứ 10 năm ngoái trong cuộc khảo sát Expat Insider 2022 của InterNations. Cộng đồng người nước ngoài lớn nhất thế giới với hơn 4 triệu thành viên, InterNations có trụ sở tại Berlin đã khảo sát cuộc sống người nước ngoài tại 52 điểm đến, thu được phản hồi trực tuyến từ gần 12.000 thành viên trên toàn thế giới.

Cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người nước ngoài đối với chất lượng cuộc sống, khả năng định cư dễ dàng, làm việc ở nước ngoài và tài chính cá nhân tại quốc gia cư trú tương ứng của họ. Một chỉ số cơ bản mới cho người nước ngoài bao gồm cuộc sống kỹ thuật số, các vấn đề hành chính, nhà ở và ngôn ngữ. Việt Nam năm nay đã vượt trội về chỉ số tài chính cá nhân, đứng đầu thế giới về chỉ số này. Đa số người nước ngoài (80%) hài lòng với chi phí sinh hoạt chung, so với chỉ 45% trên toàn cầu. Xếp hạng của đất nước được cải thiện từ thứ 10 vào năm 2021 lên vị trí thứ 7 trong số 52 địa điểm của năm 2022.

Theo đánh giá, Việt Nam cung cấp tài chính dễ dàng. Khoảng 4/5 hài lòng với yếu tố tài chính và 92% nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là đủ hoặc nhiều hơn đủ để dẫn đầu một cuộc sống thoải mái.

Định cư cũng là một điều dễ dàng đối với người nước ngoài ở Việt Nam. Việt Nam xếp thứ 9 trong chỉ số dễ định cư. Người nước ngoài rất thích sự thân thiện của người dân địa phương. Hầu hết người nước ngoài (84%) mô tả cư dân địa phương nói chung là thân thiện và 83% nhận thấy họ thân thiện với cư dân nước ngoài nói riêng. Văn hóa địa phương là một lĩnh vực khác mà người nước ngoài đặc biệt hài lòng - 83% cảm thấy được chào đón ở Việt Nam và 71% cảm thấy như ở nhà.

Đối với cuộc sống xa xứ, việc tạo được mạng kết nối cá nhân rất quan trọng. Người nước ngoài xếp Việt Nam vào top 10 trong danh mục phụ tìm bạn (thứ 7), cho rằng việc kết bạn trong nước rất dễ dàng (54% hài lòng). Hơn 69% hài lòng với cuộc sống xã hội của họ. Hơn nữa, 63% có mạng lưới hỗ trợ cá nhân ở Việt Nam, ví dụ, những người mà họ có thể tìm đến để được hỗ trợ thực tế/tinh thần.

Lo ngại về môi trường và khó tiếp cận chăm sóc sức khỏe

Dù nghỉ dưỡng đẳng cấp nhưng những vị khách nước ngoài chỉ trả chi phí thấp so với với nhiều quốc gia khác. (ảnh: T.Hà)

Dù nghỉ dưỡng đẳng cấp nhưng những vị khách nước ngoài chỉ trả chi phí thấp so với với nhiều quốc gia khác. (ảnh: T.Hà)

Điểm yếu chính của Việt Nam là ở chỉ số môi trường. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước kém nhất về chỉ số chất lượng cuộc sống (thứ 48) và môi trường - khí hậu (thứ 49) đặt ra mối quan tâm lớn đối với người nước ngoài ở Việt Nam. Hơn một nửa trong số họ không hài lòng với môi trường đô thị. Người nước ngoài cũng thất vọng với sự sẵn có của hàng hóa, dịch vụ xanh và đặc biệt không hài lòng với chất lượng không khí.

Ngoài ra, người nước ngoài ở Việt Nam không hài lòng với sức khỏe và tinh thần của họ (thứ 40). Khoảng 1/5 người nước ngoài nói rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung không có sẵn và 1/4 báo cáo rằng rất khó tiếp cận tất cả các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần. Khi người nước ngoài có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, họ nhận thấy chúng có chất lượng kém, 23% không hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế.

Người nước ngoài mô tả mức độ sẵn có của phương tiện giao thông công cộng là đặc biệt kém (43% không hài lòng), khoảng 1/3 không hài lòng với cơ sở hạ tầng dành cho ô tô.

Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, điểm thu hút của Việt Nam chính là vẻ đẹp của nơi đây, cùng đam mê, bản tính thân thiện và tinh thần lạc quan. Không chỉ thế, Việt Nam còn thu hút bởi khả năng phục hồi của đất nước này và niềm tin của con người rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay, mặc cho những thách thức trong ngắn hạn. Việt Nam cũng có rất nhiều danh lam thắng cảnh, nền ẩm thực hấp dẫn để người nước ngoài có thể tham quan và trải nghiệm.

“Tôi rất muốn đến nhiều địa điểm của Việt Nam. Đơn cử như trở lại Sa Pa với hình ảnh rặng núi, màn sương huyền ảo, những cánh đồng lúa đủ màu sắc, thật sự rất quyến rũ. Tôi cũng muốn quay trở lại Phú Quốc để con trai lớn có thể hoàn thành khóa học lặn biển. Gia đình tôi muốn trải nghiệm đi tàu hỏa từ Đà Nẵng ra Huế và tham quan cố đô. Hay đi Hội An bao nhiêu lần cũng không bao giờ đủ với chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại đó” - ông Tim Evans chia sẻ với truyền thông.

Đọc thêm